Nóng chuyển giá, nợ thuế
Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường xuyên báo lỗ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại chây ỳ đóng thuế khiến cho nợ đọng thuế ngày càng tăng cao. Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của ngành thuế còn nhiều khoảng trống, nếu không muốn nói là điểm yếu.
Doanh nghiệp FDI: Đua nhau báo lỗ, chuyển giá
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chế của chính khu vực doanh nghiệp FDI này .
Một thống kê đã chỉ ra hiện tượng các DN FDI kê khai, báo lỗ đã khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Hàng năm qua hoạt động kiểm toán cũng đã phát hiện nhiều sai phạm của DN FDI trong lĩnh vực môi trường, đất đai, chuyển giá.
Chẳng hạn năm 2020 ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra hơn 263 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, qua đó truy thu, truy hoàn, phạt 525 tỷ đồng, trong đó có 177 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với số thuế truy thu hơn 440 tỷ đồng. Điều này cho thấy doanh nghiệp FDI chưa thật sự sòng phẳng về thuế.
Điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục nhưng các DN này vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt qua đối chiếu thuế, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra một hình thức chuyển giá nữa là công ty FDI ở Việt Nam nhưng bán hàng của công ty mẹ ở chính quốc giá thấp hơn giá thành; lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của DN FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm; có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn…
Trước đó, một báo cáo về hoạt động tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Tài chính công bố cũng cho biết tính đến 31/12/2019 có 50% doanh nghiệp FDI báo kinh doanh lỗ với con số cụ thể 12,4 nghìn DN báo lỗ với trị giá lỗ là hơn 131,3 nghìn tỷ đồng.
Đến hết năm 2019, lũy kế có tới hơn 14,8 nghìn DN có lỗ trên báo cáo tài chính, chiếm tỷ lệ 66% DN có báo cáo với tổng số lỗ lên tới trên 520 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp nội: Nợ thuế tăng vọt
Không chỉ doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ để trốn thuế, thông tin về tình hình nợ thuế trên điạ bàn TPHCM, ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết nợ thuế lớn của TPHCM chủ yếu liên quan đến các khoản thu từ đất và thuế TNDN hoạt động bất động sản. Trong đó có những khoản nợ thuế lớn và kéo dài. Cụ thể nợ tiền thuế TNDN của các bất động sản là: 327 tỷ đồng, tăng 20,22% so với năm trước, tương ứng tăng 55 tỷ đồng.
Nợ thuế trên 5 tỷ đồng có 29 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ tiền TNDN về BĐS là 295 tỷ đồng, chiếm 90,21% nợ tiền thuế TNDN của các bất động sản. Tổng số nợ thuế của 29 doanh nghiệp này là 1.186 tỷ đồng, chiếm 4,14% trong tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 30/9/2020 trên địa bàn TPHCM.
Còn tại Hà Nội, theo ông Viên Viết Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bị giảm sút, tình hình tài chính khó khăn thì công tác thu hồi nợ là thách thức chung đối với toàn Cục Thuế Hà Nội.
Có thể khẳng định công tác quản lý nợ đang là bài toán khó đối với ngành thuế trên cả nước. Chính vì vậy, tại thời điểm này, mỗi một cục thuế địa phương đang có những chiến lược khác nhau để vừa đảm bảo công tác quản lý, thu hồi nợ thuế vừa không tác động xấu tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành thuế năm 2020, triển khai nhiệm vụ 2021 vừa diễn ra chiều ngày 5/1, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng nhấn mạnh thực trạng của ngành thuế, đó là nợ đọng thuế còn lớn, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra làm giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh liên quan đến sử dụng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam. Điều này thể hiện qua phát hiện của thanh tra, kiểm tra thuế - số thu qua công tác thanh tra, kiểm tra các năm rất cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành thuế cần tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập.