Điểm sáng nông thôn mới
Khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), An Giang cũng gặp những khó khăn nhất định bởi xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của hệ thống Mặt trận đã giúp tỉnh này đạt những kết quả tích cực, mang lại sự hài lòng cho nhân dân.
Cùng với cả nước, An Giang bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2010. Mặc dù xuất phát điểm không cao nhưng với tinh thần đoàn kết, An Giang đã trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu phong trào xây dựng NTM khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mô hình mới, cách làm hay và sáng tạo.
Ông Nguyễn Tiếc Hùng - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh An Giang cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của CVĐ: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh An Giang đã phối hợp các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền gắn với các tiêu chí xây dựng xã NTM và xã NTM nâng cao.
Ngoài ra, hệ thống Mặt trận đã cùng với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải sản xuất, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, sử dụng nước sạch… Bên cạnh đó, MTTQ các cấp chủ động phối hợp với ngành Văn hóa triển khai và cụ thể hóa chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về CVĐ. Hiện nay, toàn tỉnh có 72 xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Nhiều địa phương, các khu dân cư đã xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, hạn chế và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi, người trót sa ngã vào tệ nạn xã hội ngay tại gia đình và cộng đồng.
Ông Nguyễn Tiếc Hùng cho rằng, nhờ thực hiện tốt CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đa phần các địa phương đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tính đến nay, toàn tỉnh có 61 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, một huyện đạt chuẩn NTM. Ý thức của người dân về xây dựng NTM đã có bước thay đổi rõ rệt, mỗi người dân đều nhận thức được vai trò của mình trong quá trình xây dựng NTM, điều đó thể hiện việc tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên đã thực sự đạt hiệu quả.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở. Nhân dân bàn bạc xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước phù hợp, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, xây dựng các tổ hòa giải, tổ an ninh thôn, xóm, khu phố... Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với nhân dân.
Đặc biệt, khi triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng đã tiếp tục duy trì các mô hình có hiệu quả như: Mô hình bếp ăn tình thương; đóng góp tiền xoay vòng mua BHYT cho gia đình các hội viên; mô hình “Ươm mầm tài năng” và “Chia sẻ cảnh đời bất hạnh”; mô hình “Quầy hàng miễn phí cho người nghèo”, “Gian hàng không đồng”; “Tổ phụ nữ nuôi dạy con tốt”… Những mô hình này đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân và cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, các tổ chức xã hội khi thực hiện nhiệm vụ chung.
Với cách làm thiết thực và bài bản, hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang đã chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.
Đến nay, toàn tỉnh có 508.587 hộ gia đình văn hóa, 867 khóm/ấp văn hóa, 10 xã đạt chuẩn xã văn hóa, 72 xã đạt chuẩn xã văn hóa NTM, 25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 42 khóm, ấp đạt điểm sáng văn hóa biên giới, 2.245 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.