Cát tặc - ‘Sự bất lực chính là đồng lõa’

Xuân Trường - Tây Bắc 07/01/2021 16:13

Nhiều năm nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng cấp phép khai thác cát, sỏi tràn nan, dẫn đến mất kiểm soát. Cát tặc hoành hành gây thất thoát lớn tài nguyên, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, sản xuất,... nhiều nơi chính quyền gần như bất lực trước thực trạng này. Người dân bất an, bức xúc.

Bãi chứa cát sỏi của DN Tiến Thuận, phường Tân Hà, tràn cả ra đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh chụp sáng 6/1/2021.

Nhức nhối

Khai thác cát, sỏi luôn là lĩnh vực “rất nóng” từ nhiều năm nay và diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước tại các sông suối, hồ đập, vì đây là miếng bánh béo bở, dễ “chia chác” khi các doanh nghiệp được chính chính quyền ưu ái, “ngó lơ” để móc ruột tài nguyên.

Hệ lụy nặng nề ai cũng thấy, bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cảnh quan môi trường bị tàn phá, tài nguyên bị thất thoát quá nhiều, đời sống mưu sinh của người dân ven sông bị đe dọa... nhưng vì sao hàng chục cơ quan quản lý Nhà nước không thể “dẹp” được khi vấn nạn “cát tặc” đang diễn ra công khai?

Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, từng nói: “Không địa bàn nào không có chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội. Trên thực tế, khi người dân biết, họ báo cáo, song chính quyền gần như bất lực, “sự bất lực chính là đồng lõa”. Bởi lẽ, không có gì khó khăn để xử lý khi đơn vị khai thác làm công khai bằng những chiếc sà lan cỡ lớn, sử dụng các phương tiện hiện đại, xây dựng bến bãi; thậm chí nhiều địa phương, xe vận tải cát sỏi còn phá hỏng cả đường giao thông nhưng chính quyền cứ lờ đi...”.

Ngang nhiên

Đã hơn ba tháng, khi báo Đại Đoàn Kết đăng phóng sự đầu tiên về tình trạng “cát tặc” tại địa bàn thôn 9, 10, xã Tân Long và thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Tình trạng ngang nhiên khai thác cát, sỏi sai phép của Công ty Tân Hà và DN Tiến Thuận (phường Tân Hà, TP Tuyên Quang), đã “chùng xuống” nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vấn nạn chưa “dứt”.

Nhiều lần đi dọc tuyến sông Lô thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, phóng viên tận mắt chứng kiến gần như ít có khúc sông nào “vắng bóng” tàu khai thác cát, sỏi. Mỏ được cấp phép thế nào cũng không thấy cắm biển, thả phao, cắm mốc, tàu chở cát sỏi cứ tấp lập mua bán, tài nguyên cứ thất thoát.

Có lần, phóng viên gọi điện cho một cán bộ Công an huyện Yên Sơn, báo có mấy tàu khai thác, vận chuyển cát sỏi đang hoạt động tại vị trí có “lệnh tạm dừng” theo văn bản gửi báo Đại Đoàn Kết số: 1699/STNMT-KS ngày 19/11/2020 của Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang.

Vị cán bộ này nói: “Chúng tôi không có phương tiện nên chưa thể triển khai kiểm tra ngay được”, tôi nói, nếu cần phương tiện, người dân sẵn sàng bố trí cho các anh; lúc này vị cán bộ nói rằng, sẽ báo cáo “thủ trưởng” xin chỉ đạo!. Suốt mấy tháng qua, không biết “thủ trưởng” chỉ đạo kiểm tra, giám sát ra sao, nhưng các tàu khai thác cát sỏi sai phép vẫn hoạt động?

Người dân cung cấp nhiều ảnh chụp và video ghi lại, ông Nguyễn Tiến Hải (54 tuổi, thôn 10, xã Tân Long, Yên Sơn, Tuyên Quang), liên tục dùng tàu hút khai thác cát, sỏi tại thôn 9, xã Tân Long nhưng không bị cơ quan chức năng ngăn cấm. Ông này còn mạnh miệng tuyên bố, “đã mua hết bờ sông rồi!”.

Tàu cát của ông Dũng (xóm 1, Nông Tiến) hiên ngang khai thác nơi bờ sông đã được xây kè, tạo cảnh quan, cách đền cổ Mẫu Thượng khoảng hơn trăm mét.

Ngay dưới chân cầu Tân Hà (TP Tuyên Quang) khoảng 200 m, chỉ một đoạn sông Lô ngắn, đã có mấy công ty được cấp phép khai thác cát, sỏi. Lúc cao điểm, hàng chục tàu cỡ lớn gầm rú khai thác. Đặc biệt khó hiểu, đoạn sông dài khoảng vài trăm mét ngay trung tâm thành phố Tuyên Quang, hai bên bờ sông đã được đầu tư kè chống sạt lở, tạo cảnh quan và dành cho người đi bộ.

Nhưng quanh năm có tàu khai thác cát, sỏi của ông Dũng (xóm 1, phường Nông Tiến, điện thoại: 091.227xx96) công khai hoạt động; khi người dân hỏi, ông này tuyên bố: “được cấp phép khai thác”. Vị trí này chỉ cách ngôi đền cổ Mẫu Thượng linh thiêng hơn trăm mét. Người dân xóm 1, phường Nông Tiến và xóm 1, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) rất bức xúc nhiều năm liền báo lên chính quyền địa phương nhưng không “dẹp” được?.

Thiệt hại khó lường

Trong văn bản số: 1699/STNMT-KS, thời hạn dừng khai thác cát sỏi của hai Cty Tân Hà và DN Tiến Thuận tại điểm mỏ xã Thắng Quân và Tân Long (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) chưa rõ.

Sở yêu cầu 2 DN này nghiêm túc chấp hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ, khắc phục tồn tại trong hoạt động khoáng sản, thời hạn cho phép 90 ngày.

Hết thời hạn, nếu 2 DN này không thực hiện, Sở TNMT Tuyên Quang sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực tế, với khoảng chiều dài hàng nghìn mét hai bờ sông Lô bị sạt lở, 2 DN này “chắc chắn” không thể khắc phục nổi, bởi để thực hiện phải tốn hàng trăm tỷ đồng; còn bản chất doanh nghiệp, chỉ nhanh tay “thu về”. Chẳng lẽ việc khắc phục hậu quả này lại dùng tiền thuế của dân!?.

Một cán bộ Cty này cho biết: “Mỗi năm chúng tôi nộp hơn 3 tỷ đồng cho ngân sách, số tiền rất lớn đấy!”. Nhưng với khối lượng khai thác cát, sỏi thực tế cao hơn hàng chục lần so với được cấp phép, bờ sông bị sạt lở, đường giao thông bị xuống cấp do xe chở cát sỏi quá tải... thì số tiền Cty thu nộp chẳng thấm vào đâu.

Vậy thực trạng này đang có lợi hay hại cho dân, cho Nhà nước?. Nếu cứ để cho DN làm, lợi không có mà chỉ có hại thì nên chăng phải dừng lại để người dân yên ổn sinh sống, tài nguyên quốc gia không bị thất thu, cảnh quan môi trường không bị tàn phá. Hoặc chính quyền thấy việc khai thác cát, sỏi là cần thiết; khai thác sai phép cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Quản lý khoáng sản bằng dữ liệu camera, cần làm ngay

Vừa qua, Bộ công an đề xuất dùng camera để quản lý, giám sát công được thuận lợi, kịp thời, hiệu quả, và lẽ ra phải được triển khai sớm hơn. Việc lắp camera giám sát trực tiếp tại “khu vực được cấp mỏ; khu vực kho bãi tập kết cát, sỏi”, sẽ giúp quản lý hiệu quả số lượng tàu khai thác; vị trí khai thác; lượng cát, sỏi khai thác được; khối lượng cát sỏi đã bán... nếu làm được, sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp bán cát, sỏi với số lượng “cực lớn” không hóa đơn, ngân sách Nhà nước thất thu nhiều nghìn tỷ đồng.

Để giám sát, xử phạt vi phạm một cách công khai, minh bạch, dữ liệu camera cần “quản lý” chặt chẽ. Tất cả dữ liệu phải được truyền về Ủy ban giám sát của Quốc hội, Bộ TNMT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh... để tránh tình trạng “xin - cho”, xóa dữ liệu, bỏ qua vi phạm, làm mất tính nghiêm minh của luật pháp.

Người dân quá cần chính quyền minh bạch để không bị “bịt mắt” trước nhiều chiêu trò gian dối, tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc xã hội nhiều năm qua.

Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật. Bảo vệ lòng, bờ bãi sông gắn với yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.

Xuân Trường - Tây Bắc