5 bài học lịch sử của sự ra đời Quân giải phóng miền Nam Việt Nam

Thành Luân 08/01/2021 12:40

Việc đánh giá, nhìn nhận lại quá trình ra đời Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân; hun đúc tinh thần yêu nước, yêu CNXH, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và khát vọng yêu chuộng hòa bình cho các thế hệ hôm nay.

Sáng nay 8/1, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử”, với sự tham dự của Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo các tỉnh Đông Nam bộ và Bộ Quốc phòng.

Hội thảo khoa học cũng có sự tham dự của gần 500 đại biểu nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, các tướng lĩnh, anh hùng LLVTND, các Mẹ VNAH và đông đảo đại diện người dân các địa bàn khu vực Đông Nam bộ.

Tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh

Phát biểu khai mạc Hội thảo Khoa học, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, hội thảo khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (15/2/1961 - 15/2/2021).

Ban chủ tọa Hội thảo Khoa học
Ban chủ tọa Hội thảo Khoa học "Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học Lịch sử".

Mảnh đất miền Đông Nam bộ lịch sử, là nơi đánh dấu cột mốc thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 15/2/1961 tại chiến khu D. Từ vùng đất cách mạng này, đã góp phần quan trọng vào việc tạo bước chuyển của cách mạng sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến hành chiến tranh cách mạng.

Kể từ ngày thành lập cho đến kết thúc sứ mệnh lịch sử, Quân Giải phóng miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao phó. Nhờ đó, đã lập nên những chiến công tiêu biểu, ghi đậm dấu ấn lịch sử của các trận Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Vạn Tường, Plây Me,… góp phần đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966; 1966 - 1967.

Các chiến thắng quan trọng để Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, làm nên bước ngoặt của cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, sau đó buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.

Các đại biểu Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh thành chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Các đại biểu Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh thành chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo Khoa học, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam so sánh giữa thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã giáng đòn quyết định vào việc thất bại về ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc Tổng Quân ủy ra Chỉ thị thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân, từ đó tạo điều kiện quan trọng cho cách mạng nước ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học. (Ảnh: Hồng Phúc).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tư lệnh, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền và được sự chi viện đắc lực, kịp thời của hậu phương miền Bắc, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhanh chóng lớn mạnh, lập nên những chiến công xuất sắc, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó.

Tổng thuật tham luận Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh, gần 90 tham luận của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, chỉ huy các cơ quan đơn vị, học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, các nhân chứng lịch sử đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề cụ thể, khoa học, nhờ đó làm sáng tỏ và sâu sắc hơn vai trò, ý nghĩa, bài học lịch sử của việc thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sứ mệnh lịch sử của cách mạng Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh giá sứ mệnh lịch sử của việc ra đời Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã khẳng định sự vận dụng đúng đắn, đầy sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng ta. Đây cũng là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Bài tham luận của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) của Đảng Lao động Việt Nam ngày 31/1/1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết "Về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam", mà cụ thể hóa chủ trương này của Bộ Chính trị là việc thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng 1/1961. Đây là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo. Đường lối chính trị và đường lối quân sự của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi...

Bài học về khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu, làm nên chiến thắng của Quân Giải phóng miền Nam. Qua đó, tiếp tục giúp luận giải ra các nguyên nhân, điều kiện, yếu tố để giành chiến thắng và hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Cũng theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã khẳng định và làm rõ thêm tầm vóc, ý nghĩa của những chiến công, vai trò của Quân đội đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng thống nhất nước nhà.

Tại Hội thảo Khoa học, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá những chiến công, chiến thắng kể từ khi thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh của tinh thần gan dạ vô song, ý chí chiến đấu kiên cường, để lại những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự và đó chính là dấu ấn của Quân Giải phóng miền Nam, đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng như bản hùng ca, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cũng như quá trình chống giặc ngoại xâm xuyên suốt trong lịch sử dân tộc ta.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân Giải phóng miền Nam cũng giúp vận dụng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hôm nay theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, đây cũng là tiền đề và bài học quan trọng đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Việc làm sáng tỏ, sâu sắc những vấn đề lý luận vào thực tiễn cách mạng, về vai trò của Quân giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã rút ra được nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc chiến chống lại các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định về ý nghĩa giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Chỉ đạo tại Hội thảo Khoa học, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương một lần nữa khẳng định, các tham luận và thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào việc đánh giá, nhìn nhận lại quá trình xây dựng, chiến đấu, công lao, đóng góp của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó, khẳng định sự sáng tạo, linh hoạt của Đảng trong tổ chức và sử dụng lực lượng vũ trang phục vụ nhiệm vụ chiến lược.

“Bài học lịch sử rút ra từ Hội thảo khoa học sẽ góp phần quan trọng vào giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân; hun đúc tinh thần yêu nước, yêu CNXH, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và khát vọng yêu chuộng hòa bình cho các thế hệ hôm nay”, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.

Thành Luân