Sau vụ bạo động: Nước Mỹ vẫn nóng
Sáng 7/1 (giờ Việt Nam), xảy ra vụ bạo động tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, được tạo nên bởi những người được cho là ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã gây nên một cú sốc lớn đối với chính trường và người dân Mỹ nói riêng cũng như thế giới nói chung.
Hậu quả từ vụ bạo động
Theo công bố của Cảnh sát trưởng Washington DC Robert Contee, 4 người đã thiệt mạng do hậu quả của vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội, trong đó 1 người bị bắn chết và 3 người còn lại tử vong vì “các tình huống y tế khẩn cấp”.
Cùng với đó, 14 cảnh sát đã bị thương. 1 người đã phải nhập viện sau khi bị đám đông kéo lê và tấn công, một người khác bị thương nghiêm trọng ở mặt sau khi bị trúng đạn.
Có 52 người bị bắt, trong đó, 5 người vi phạm quy định sở hữu vũ khí, 47 người khác vi phạm lệnh giới nghiêm và đột nhập bất hợp pháp. 26 người trong số họ bị bắt tại sân trụ sở Quốc hội. Một thùng lạnh chứa các chai xăng cũng được tìm thấy tại sân tòa nhà Quốc hội. Cảnh sát còn phát hiện 2 quả bom ống tại các văn phòng của Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Cảnh sát trưởng Contee xác nhận, người bị bắn chết bởi Cảnh sát đồi Capitol - cơ quan thực thi pháp luật chịu trách nhiệm bảo vệ Quốc hội Mỹ - là một phụ nữ nhưng không cung cấp thêm các thông tin chi tiết.
Sau đó, người này được xác định là Ashli Babbitt, 35 tuổi. Cô từng có 14 năm phục vụ trong không quân Mỹ và 4 lần được điều động quân sự ra nước ngoài, trong đó có tới Iraq và Afghanistan.
Chồng của Babbitt cho biết, cô đã đi từ San Diego tới thủ đô Washington để tham gia cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump, nói thêm rằng cô là người ủng hộ mạnh mẽ ông chủ Nhà Trắng.
Babbit được cho là đã bị bắn khi cô và những người biểu tình khác cố gắng phá cửa có rào chắn trong tòa nhà Quốc hội, nơi các cảnh sát đồi Capitol được trang bị vũ khí có mặt ở phía bên kia.
Trong một video được lan truyền trên mạng xã hội, một tiếng súng đã được nghe thấy trong nỗ lực nhằm phá cửa. Video khác cho thấy cảnh sát cố gắng trợ giúp khẩn cấp cho một phụ nữ nằm trên sàn trong khi máu đang chảy. Babbitt được đưa tới bệnh viện do bị thương nhưng được tuyên bố tử vong sau đó.
Mẹ chồng của Babbitt nói với truyền thông Mỹ: “Tôi bị sốc, không nói lên lời. Không ai từ Washington DC thông báo về vụ việc cho con trai tôi, và chúng tôi chỉ biết chuyện qua tivi”.
Trong một thông tin mới nhất, cảnh sát đồi Capitol của Mỹ đã xác nhận thông tin cho biết, một sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát đồi Capitol tên là Brian Sicknick đã chết do bị thương khi đối phó với cuộc bạo loạn tại Điện Capitol.
Theo nguồn tin, sau vụ bạo loạn, Sicknick đã quay lại văn phòng của đơn vị mình và bất tỉnh. Anh được đưa tới bệnh viện và qua đời. Sicknick gia nhập Cảnh sát Đồi Capitol từ năm 2008. Như vậy, cảnh sát Sicknick là người thứ 5 thiệt mạng liên quan tới vụ bạo loạn lịch sử này.
Sự bất bình tăng cao
Ngay sau khi cuộc bạo loạn được trấn áp và tòa nhà Quốc hội Mỹ được an toàn, một số nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và quan chức Mỹ được cho đã nói với truyền thông Mỹ rằng ông Trump nên bị phế truất khỏi vị trí Tổng thống trước ngày 20/1 khi Tổng thống đắc cử nhậm chức. Có khoảng 4 người dường như kêu gọi việc kích hoạt Tu chính án số 25 của Hiến pháp để phế truất ông Trump.
Trong khi đó, CNBC dẫn nguồn thạo tin ngày 7/1 cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã thảo luận phương án kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp để phế truất Tổng thống Donald Trump sau cuộc biểu tình bạo loạn. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã từ bỏ ý định vì cho rằng quá trình phế truất như vậy sẽ mất quá nhiều thời gian trong khi nhiệm kỳ của ông Trump sắp kết thúc. Hơn nữa, họ cũng không chắc chắn liệu 3 quyền bộ trưởng trong Nội các (chưa được Thượng viện phê chuẩn) có thể bỏ phiếu ủng hộ việc kích hoạt tu chính án hay không.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chưa lên tiếng công khai sau các lời kêu gọi ông kích hoạt Tu chính án thứ 25, song New York Times dẫn lời một cố vấn thân cận cho biết, ông Pence phản đối động thái này. Lập trường của ông Pence được một số thành viên Nội các ủng hộ. Những quan chức này “xem nỗ lực phế truất Tổng thống có thể gây thêm hỗn loạn hiện tại ở Washington hơn là ngăn chặn nó”.
Trước thông tin này, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ, gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer, và một nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi Pence kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi cảnh báo, nếu Phó Tổng thống Pence từ chối thực hiện việc phế truất Tổng thống, các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài chuẩn bị xem xét luận tội ông Trump thêm lần nữa.
“Đây là tình huống khẩn cấp ở mức cao nhất. Chỉ còn 13 ngày, nhưng bất kỳ ngày nào cũng có thể là sự kinh hoàng đối với nước Mỹ”, bà Pelosi nói.
Điều này đồng nghĩa với việc Phó Tổng thống Pence là người duy nhất có thể đứng đơn nộp lên Quốc hội Mỹ để xem xét về năng lực của Tổng thống Trump.
Trong một diễn biến khác, ngày 8/1, Reuters đưa tin, thêm 4 cố vấn cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã từ chức sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol gồm: Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Phi Erin Walsh, Giám đốc cấp cao về chính sách quốc phòng Mark Vandroff, Giám đốc cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt Anthony Rugierro cùng với Rob Greenway - Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi. Trước đó trong ngày 7/1, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos và Bộ trưởng Giao thông Mỹ Elaine Chao cũng đã đệ đơn từ chức.
Ngày 8/1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải một video ghi lại phát biểu của ông, qua đó, lên án các hành động bạo lực diễn ra tại Điện Capitol của Mỹ hôm 6/1 (giờ Mỹ) và thừa nhận rằng “Tổng thống mới sẽ nhậm chức” vào ngày 20/1.