Hiệu quả từ chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm
Về Bắc Giang hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sức sống mới từ khi địa phương triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Chương trình đã tạo sức bền cho sự phát triển để đưa Bắc Giang trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ hai của vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Năm 2020, chương trình nông thôn mới (NTM) tại Bắc Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả, hầu hết các mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Do đó, đời sống của bà con vực nông thôn tiếp tục được quan tâm thông qua việc ban hành nhiều chính sách mang tính đặc thù. Theo đó, toàn tỉnh có 127 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 69% tổng số xã; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 72 thôn NTM kiểu mẫu.
Cùng với đó, Chương trình OCOP được triển khai bài bản tới tận 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của cán bộ các cấp, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP có nhiều chuyển biến, tạo ra phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng, góp phần phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Chia sẻ những thành công trong chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia xây dựng xã NTM nâng cao, ông Vũ Trí Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng cho biết, khi thực hiện việc này, xã Lãng Sơn tập trung cao độ cho công tác tuyên truyền để mỗi người dân đều hiểu và thấy rõ trách nhiệm của mình, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Nhiều hoạt động thiết thực gắn với xây dựng NTM được thực hiện, nhận thức của cán bộ, nhân dân có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần đưa Lãng Sơn trở thành một trong những địa phương được công nhận xã NTM nâng cao.
Còn tại thành phố Bắc Giang khi thực hiện chương trình OCOP, thành phố đã xây dựng ý tưởng cho những sản phẩm đạt tiêu chuẩn gồm: Bánh đa Kế, bún khô Đa Mai và thịt lợn của HTX Tín Nhiệm.
Nghề tráng bánh đa là một nghề truyền thống lâu đời của người dân phường Dĩnh Kế. Trước kia các hộ chủ yếu chỉ sản xuất tự phát nhỏ lẻ. Từ đầu vào sản xuất cho đến đầu ra của sản phẩm đều theo hình thức tự sản tự tiêu. Vì thế năng suất và thu nhập hạn chế.
Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình OCOP, HTX Bánh đa Kế đã xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của HTX có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán cũng ổn định hơn.
Cùng với phường Dĩnh Kế, phường Đa Mai cũng được biết đến là nơi có nghề truyền thống làm bún bánh lâu đời của thành phố Bắc Giang. Trước đây, những người làm nghề tại Đa Mai chỉ sản xuất bún tươi. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, các hộ làm nghề đã mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất bún khô.
Hiện nay HTX Kinh doanh nông sản sạch Đa Mai đã thí điểm sản xuất và giới thiệu ra thị trường 3 sản phẩm bún khô tiêu biểu gồm: Bún khô chùm ngây, bún khô gạo lứt và bún khô gạo trắng. Có bao gói, tem nhãn và nguồn gốc xuất xứ đầy đủ, rõ ràng, chất lượng sản phẩm đã làm hài lòng người tiêu dùng và đang được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố ưa chuộng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích cho biết, để tiếp tục đạt được kết quả như mong muốn, năm 2021, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu có 138 xã đạt chuẩn NTM, có thêm 15 xã NTM nâng cao, một huyện đạt huyện NTM; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã; 64 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu…
Để đạt được kết quả đó, các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương cần tiếp tục khẳng định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài và chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” chính là giải pháp góp phần thực hiện thành công NTM bền vững tại địa phương.