Người Việt ở Thái Lan với bão dịch mới
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vừa khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc hoặc du lịch tại Thái Lan chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt không tìm cách về nước bằng đường bộ…
Dịch Covid-19 tại Thái Lan diễn biến phức tạp
Đến nay, đợt bùng phát mới Covid-19 đã lây lan ra 45/77 tỉnh, thành ở Thái Lan. Đợt bùng phát này bắt nguồn từ một chợ bán buôn hải sản Mahachai ở Samut Sakhon, nơi có nhiều công nhân nhập cư từ Myanmar sinh sống và làm việc với hơn 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính kể từ lúc phát hiện một cụ bà bán tôm mắc bệnh. Ổ dịch mới bùng phát cũng chấm dứt nỗ lực duy trì ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng ở Thái Lan ở mức 0 kể từ tháng 5.
Bà con người Việt ở Bangkok khá đông, họ làm đủ nghề để mưu sinh. Người vất vả cũng nhiều nhưng thành công cũng không ít, nhất là với hàng ăn. Nhưng trong đợt dịch này, không ai là không nằm ngoài vòng xoáy của sự ảnh hưởng. Anh Hoàng Anh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Bangkok cho biết, sau một thời gian yên ổn, đợt bùng phát dịch trở lại lần này nhanh và diễn biến khá phức tạp. Tại các tỉnh “Vùng Đỏ”, các sự kiện đông người đều bị cấm, ngoại trừ việc học trực tuyến, từ thiện, các dịch vụ công với sự cho phép của tỉnh trưởng, các trường học quy mô nhỏ dưới 120 học sinh.
Vậy còn việc mua bán, sinh hoạt của người dân thì như thế nào khi nhiều nơi bị phong tỏa? Anh Hoàng Anh cho biết, hiện các trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa, khu triển lãm, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và các địa điểm tương tự vẫn được phép hoạt động bình thường, nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng dịch. Bà con ta ở bên này cũng thực hiện rất nghiêm quy định phòng dịch của chính quyền sở tại với khẩu trang, nước sát khuẩn và giãn cách đúng quy định.
“Đại sứ quán cũng liên tục cập nhật các tin tức trên trang web và đề nghị công dân Việt Nam tại Thái Lan hạn chế tối đa đi đến các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người, đồng thời hạn chế di chuyển giữa các địa phương, nhất là các địa phương có nguy cơ cao theo khuyến cáo của Chính phủ Thái Lan, để tránh rủi ro lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng. Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán nên bà con cũng yên tâm hơn”.
Người Việt mình vốn chăm chỉ, chịu khó nên dễ dàng hòa nhập và thích nghi trên đất Thái. Tại khu chợ Việt nằm trong một con hẻm của đường Samsen, sát nhà thờ Saint Francis Xavier Bangkok, những ngày này cũng vắng người đến chợ hơn. Chị Thu Minh, chủ một xe đẩy hàng rong ở chợ cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch không có, người Việt và người Thái cũng hạn chế ra ngoài nên việc buôn bán khó khăn hơn rất nhiều. Lượng hàng chị bán giờ chỉ bằng 1/3 so với trước.
Chợ Samsen ở Bangkok vẫn được ví là nơi lưu giữ và quáng bá những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ở đấy, có thể tìm được những xe hàng rong bán những món ăn Việt như giò chả, lạp xường, ruốc, hành phi, bánh tráng. Có cả hàng bún, phở, bánh mỳ, càphê. Không chỉ có người gốc Việt bán hàng, nhiều người dân Thái cũng chế biến và bán các mặt hàng ẩm thực của Việt Nam. Đợt này bà con kinh doanh buôn bán ở chợ bị ảnh hưởng khá nhiều, nhất là thời điểm có lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Bà con ta sinh sống và hội nhập tốt
Trong những năm qua, bà con ta đã sinh sống và hội nhập tốt tại Thái Lan. Hiện đã có 26 Hội người Việt Nam và 13 Hội doanh nhân Việt kiều được thành lập dưới mái nhà chung là Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan. Theo chia sẻ của Chủ tịch Tổng Hội Trịnh Cao Sơn với báo chí thì, nhờ đường lối thiết thực của Nghị quyết 36 và chính sách đúng đắn của Chính phủ Thái Lan cho phép kiều bào nhập quốc tịch Thái Lan, bà con người Việt có thể làm ăn, sinh sống một cách hợp pháp và trở thành chủ doanh nghiệp, có quyền sở hữu bất động sản dưới sự đảm bảo của luật pháp nước sở tại.
Tại một số tỉnh thành của Thái Lan như Bangkok, Udon Thani, Ubon Rajathani, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Noong Khai, Loei, Chaiyaphum..., kiều bào rất năng động, cần cù, làm ăn nên nhiều người đã thành đạt. Không chỉ thành đạt trong kinh doanh, việc hội nhập văn hóa – giáo dục của con em kiều bào tại Thái Lan cũng đạt những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều con em Việt kiều đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhiều em đã thi đỗ đại học ở Thái Lan với tỷ lệ khá cao. Ngoài ra, rất nhiều người đang là giáo sư, giáo viên, chuyên gia có uy tín trong hệ thống các trường đại học của bạn.
Thành đạt, ổn định tại Thái Lan nhưng bà con kiều bào vẫn một lòng hướng về quê hương đất nước, kịp thời chia sẻ, hỗ trợ khi người dân trong nước gặp khó khăn, hoạn nạn. Cuối năm vừa qua, khi bà con miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của trận mưa lũ lịch sử, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp với tinh thần nhường cơm sẻ áo, hướng về khúc ruột miền Trung. Riêng số tiền ủng hộ của kiều bào gửi về trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020 đã lên tới hơn 3,7 tỷ đồng.