Điều trị bệnh xương khớp bằng phương pháp truyền miệng: Hậu quả khó lường
Với thời tiết rét lạnh hiện tại, nhiều người phải chịu những cơn đau nhức, ê buốt do bệnh lý về xương khớp. Nguy hiểm hơn, có nhưng người đã chọn cách điều trị bằng phương pháp truyền miệng dẫn đến những hậu quả khó lường.
Ghi nhận tại khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai, nữ bệnh nhân M. sưng đau nhiều khớp, các khớp nhỏ và đối xứng cả hai bên. Bệnh nhân M. này bị bệnh cách đây 2 năm. Khi bị bệnh, bà M. đi khám và đi chữa bệnh ở nhiều nơi. Có nơi chẩn đoán viêm khớp dạng thấp nhưng có nơi lại chẩn đoán thoái hoá khớp.
Tuy nhiên bệnh nhân không điều trị bài bản theo đúng phác đồ mà lại dùng các phương pháp truyền miệng, truyền tai để chữa trị bệnh. Bệnh nhân đến khoa trong tình trạng sưng đau nhiều ở các khớp, có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng đồng thời bệnh nhân đau nhiều về nửa đêm và về sáng.
Các bác sĩ tại Khoa Cơ xương khớp chẩn đoán, bệnh nhân chưa được điều trị về thuốc cơ bản, cần phải điều trị lâu dài.
Một trường hợp khác, bệnh nhân N.N.A., 6 tháng trước bị sưng đau các khớp tay, cổ tay, đầu gối 2 bên khiến ông sinh hoạt khó khăn. Bệnh nhân đến bệnh viện điều trị thuốc đã giảm tình trạng đau. Song, qua 6 tháng thấy ổn, bệnh nhân không tái khám mà mua thuốc trên mạng quảng cáo để tự điều trị.
Sau khi dùng thuốc được 1 thời gian, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau khớp nặng hơn và khó khăn trong đi lại. Khi trở lại bệnh viện khám, khớp cổ tay 2 bên của bệnh nhân đã cứng, các khớp bàn tay, khớp khuỷu, khớp cổ chân và khớp gối sưng đau.
Tại Đại học Y dược TP HCM, những trường hợp tự ý điều trị bệnh đau nhức xương khớp bằng thuốc nam dẫn đến biến chứng vẫn được ghi nhận.
Ví dụ như trường hợp bệnh nhân L.N.P. (57 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng). 6 năm trước bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đau khớp bàn tay và cổ tay, triệu chứng kéo dài, song bệnh nhân không đến viện mà tự ý mua thuốc nam về uống. Ban đầu, tình trạng sưng, đau khớp giảm rõ rệt. 2 năm trở lại đây, hai bàn tay bị sưng, đau nhiều và biến dạng hai bên. Vì thế, bà P. đã đến bệnh viện thăm khám. Lúc này tình trạng bệnh nhân đã sưng đau các khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp liên đốt gần hai tay, khớp gối, khớp cổ chân hai bên.
Bác sĩ tiến hành xét nghiệm và chụp X-quang bàn tay, kêt quả cho thấy bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp biến chứng dính khớp cổ tay.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan - Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau nhức xương khớp ở người trưởng thành, trong đó thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu gây đau nhức nhiều bộ phận và khó khăn khi vận động, đặc biệt phổ biến ở người ngoài 30 tuổi.
Quá trình thoái hóa khớp thường bắt đầu ở người ngoài 30 tuổi, tuy nhiên lúc này các dấu hiệu thường mờ nhạt, các cơn đau nhức cứ xuất hiện khi vận động nhiều, thời tiết thay đổi nhưng thường bị bỏ qua. Mặc dù vậy thì lớp sụn và xương dưới sụn của khớp bắt đầu bị tổn thương không còn trơn láng, xốp và mỏng đi. Nếu không kịp thời chăm sóc bệnh sẽ tiến triển nặng.
Theo các cử động hàng ngày, sụn khớp càng bị bào mòn mỏng đi, mô sụn bị rạn nứt, sần sùi dẫn đến bong tróc vỡ ra không thể che phủ được xương dưới sụn nên các đầu xương cọ xát vào nhau tạo ra các tiếng kêu cọt kẹt, lắc rắc khi di chuyển; xương dưới sụn xơ hóa, dày lên tạo ra các gai xương (gai cột sống, gai đốt sống cổ, thắt lưng…), rỗng xương, hốc xương... gây đau nhức, khó vận động. Khi trời mưa lạnh hoặc thay đổi thời tiết thất thường càng đau nhức hơn.
Các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo, để bảo đảm cho xương khớp khoẻ mạnh khi thời tiết chuyển mùa cũng như hạn chế những cơn đau đối với người có bệnh lý về xương khớp cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh như: Giữ ấm cơ thể, nhất là các khớp dễ bị thoái hoá như khớp gối, cổ chân, bàn tay, cổ tay. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau và điều trị theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh xa một số thực phẩm tác động tới bệnh xương khớp vì những thực phẩm này sẽ sinh ra các chất làm tăng gánh nặng cho khớp gồm: Các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn.
Bên cạnh đó nhiều người khi mắc các bệnh xương khớp cũng thường sợ đau khiến cho các khớp càng trở nên tê cứng, tuy nhiên bản chất khi bị khớp người bệnh càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để khí huyết lưu thông một mặt làm các sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.
Đáng lưu ý, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để phòng ngừa các bệnh xương khớp cần từ bỏ thói quen ngồi quá lâu tại một vị trí, tăng cường vận động với cường độ hợp lý vừa giúp tinh thần thoải mái vừa giúp ngăn ngừa thoái hoá khớp cổ, vai, cột sống…
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, để bảo đảm cho xương khớp khoẻ mạnh khi thời tiết chuyển mùa cũng như hạn chế những cơn đau đối với người có bệnh lý về xương khớp cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh như giữ ấm cơ thể, nhất là các khớp dễ bị thoái hoá (khớp gối, cổ chân, bàn tay, cổ tay).
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau và điều trị theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng...