Ma túy biến hình
Cứ ngỡ môi trường học đường là nơi an toàn nhất cho trẻ, bởi các cháu sẽ được giám sát nghiêm ngặt, kỷ luật nghiêm minh. Song, thực tế lại không hẳn như vậy, có nhiều mối ẩn họa đang cố len lỏi vào học đường đầu độc học sinh như thuốc lá điện tử, ma túy...
Trước thực trạng thuốc lá điện tử đang cố xâm nhập trường học với hình thức núp bóng son môi, bình nước, cây bút..., một trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng đã phải đăng tải trên fanpage của trường để cảnh báo các học sinh. Nội dung bài viết là kêu gọi học sinh toàn trường cần cảnh giác trước những hình thức trá hình của thuốc lá điện tử, bởi tác hại ghê gớm của các loại chất gây nghiện có trong nó.
Động thái của trường THPT nói trên có thể nói là kịp thời và có tác dụng tuyên truyền cao. Bởi, đôi khi có những học sinh chỉ thuần túy là đua đòi, bị các bạn kích bác, muốn thử xem cảm giác như thế nào, tránh để bạn coi thường... Song, khi đã được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử cho sức khỏe của bản thân, hành vi mua bán, tàng trữ loại hàng hóa này là vi phạm quy định thì sẽ có rất nhiều em kiên quyết tránh xa.
Một vài người nói rằng, không đến mức phải lo xa như vậy, bởi các cháu ở nhà có bao giờ hút thuốc lá điện tử đâu. Xin thưa rằng, ở nhà các cháu không hút không có nghĩa đến trường hoặc ra ngoài chúng không hút. Thực tế ở nhiều trường phổ thông, từ cấp THCS đến THPT đều đã xuất hiện hiện tượng học sinh chuyền tay nhau thuốc lá điện tử để “hút chơi cho biết”. Đáng ngại là “phong trào” này có vẻ như ngày càng lan rộng.
Thực ra cũng không có gì khó hiểu trong vấn đề này cả. Ở nhà các cháu sợ bố mẹ, có đứa thì sợ bị trách mắng đòn roi, có đứa sợ bị “cắt viện trợ” nên chúng không dám ngang nhiên hút thuốc lá điện tử. Song khi đến trường, giữa các tiết học, giờ ra chơi, có ai kiểm soát đâu mà chúng chẳng tự do làm mọi điều theo ý thích. Tiền mua thuốc lá thì tất nhiên chúng không thiếu, vì hầu hết các gia đình đều có “lót tay” cho con hàng ngày.
Ngay cả trong giờ học, nếu học sinh không rít thuốc lá điện tử và nhả khói, hoặc có rít nhưng nhả khói một cách kín đáo thì giáo viên đứng trên bục giảng cũng khó có thể phát hiện. Đơn giản là vì thuốc lá điện tử đã được trá hình dưới những hình dạng đặc biệt như những cây bút hay thỏi son môi. Không lẽ giáo viên nhìn thấy học sinh cầm một cây bút trong giờ học lại có thể đặt nghi ngờ đó là thuốc lá điện tử để kiểm tra?
Đó là lý do mà thuốc lá điện tử dễ dàng “trà trộn” vào trong học đường để dụ dỗ học sinh. Dĩ nhiên thuốc lá điện tử cũng có nicotine (được pha chế dưới dạng hợp chất) giống như thuốc lá điếu bình thường nên khi đã sử dụng quen sẽ gây nghiện. Mà theo lẽ thường, những thứ gây nghiện có “tính lây lan” cao, nhất là đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Từ một vài cháu ban đầu, nó sẽ nhanh chóng lan ra cả trường trong thời gian ngắn.
Nếu chỉ nghiện thuốc lá điện tử đã là một mối nguy cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước rồi, vậy mà trên thực tế, hợp chất có trong thuốc lá điện tử đôi khi còn được người ta thêm vào cả cần sa (một loại ma túy bị cấm). Những chất như nicotine có thể gây nghiện nhưng cũng có thể thực hiện cai không quá khó, nhưng nếu đã nghiện cần sa thì quả là vấn đề nan giải đối với những cháu đã sử dụng quen với chúng.
Trung tâm Giám định ma túy (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) đã phát hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện với công thức phức tạp, được các đối tượng buôn bán ma túy dùng thủ đoạn tinh vi hòa tan vào thuốc lá điện tử để gây nghiện cho người sử dụng. Nếu người sử dụng lại là những học sinh đang còn ngồi trê ghế nhà trường phổ thông thì hậu quả sẽ tai hại đến nhường nào chẳng cần nói thì ai cũng biết.
Còn nhớ, vào khoảng cuối năm 2020, Công an TP Hà Nội đã phát đi thông báo tới các trường phổ thông trên địa bàn về việc các đối tượng sản xuất ma túy đang cố đưa các hợp chất ma túy vào học đường. Ngoài việc hòa ma túy vào hợp chất thuốc lá điện tử, chúng còn làm những “viên kẹo” bằng hợp chất ma túy, hoặc trộn vào bánh quy, pha vào đồ uống... cố len lỏi vào học đường, dụ dỗ học sinh sử dụng, gây nghiện.
Như vậy là mối hiểm họa ma túy trong môi trường học đường là đang hiện hữu, cần phải có ngay biện pháp ngăn chặn hiệu quả, tránh để di họa cho xã hội và đất nước. Nếu như thuốc lá điện tử thông thường đã có thể gây hại cho sức khỏe với những căn bệnh nan y như ung thư, đột quỵ..., thì ma túy tổng hợp trong các loại kẹo, bánh quy, nước uống, thậm chí là cả trong thuốc lá điện tử, hệ lụy sẽ là vô cùng tai hại.
Chẳng phải đã có nhiều kẻ phạm tội giết người do ảo giác khi sử dụng ma túy tổng hợp đó sao? Chẳng phải nhiều gia đình tan nát, khuynh gia bại sản vì có những thằng con nghiện ngập đó ư? Khi mà đã dính vào nghiện ngập, những đứa trẻ sẽ không thể là con ngoan, trò giỏi được nữa, chúng sẽ trở thành những mối nguy hiểm cho xã hội. Vậy nên, hãy hết sức cảnh giác đối với các loại ma túy biến hình.