Biến thể mới Covid-19: Vẫn chưa dừng lại

Hà Anh 12/01/2021 07:55

Khi các ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng trên toàn thế giới, các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 cũng liên tiếp được phát hiện ở nhiều nước với những diễn biến khó lường khiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia đều cảm thấy lo lắng.

1. Ngày 11/1 (giờ Việt Nam), Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo nước này vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có cấu trúc khác với chủng đã phát hiện ở Anh và Nam Phi.

Nguồn tin cho biết, biến thể này có trong 4 người đến Nhật Bản từ Brazil và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại sân bay. Mặc dù có cấu trúc gần tương tự với biến thể đã phát hiện tại Anh và Nam Phi, song có một số điểm khác đã được phát hiện trong biến thể này.

Trong ngày, Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản đã báo cáo các trường hợp này lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết, 4 người trên đến từ Brazil gồm 2 người lớn trong độ tuổi từ 30-40 và 2 trẻ em khoảng trên 10 tuổi, đến Nhật Bản và nhập cảnh tại sân bay Haneda hôm 2/1.

Người đàn ông khi đến Nhật Bản không có triệu chứng nhưng sau đó phải nhập viện vì khó thở, trong khi người phụ nữ có biểu hiện đau đầu, còn bé trai bị sốt, bé gái không có triệu chứng. Hiện cơ quan y tế Nhật Bản vẫn chưa xác định được khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể này.

Trong khi đó tại Pháp, mặc dù vẫn đóng cửa biên giới 1 chiều với nước Anh, nhưng đến nay, Pháp đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước Anh.

Riêng trong ngày 11/1, Pháp phát hiện ít nhất 8 trường hợp tại thành phố Marseille nên đã huy động lực lượng cứu hộ của hải quân để thực hiện các biện pháp xét nghiệm, truy tìm nguồn gốc virus.

Cũng tương tự ở Nga, ngày 11/1, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga Anna Popova cho biết, trường hợp đầu tiên bị nhiễm biến thể mới của dịch Covid-19 đã được ghi nhận tại Nga. Chủng vi khuẩn này được tìm thấy ở 1 người trở về từ Vương quốc Anh.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossia-1, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga Anna Popova cho biết, cơ quan này bắt đầu theo dõi tình hình với chủng mới ngay sau khi Anh công bố.

Vì vậy, từ cuối tháng 11 đến ngày 22/12/2020, khi giao thông hàng không với Anh bị đình chỉ, hơn 7.000 người đã đến Nga từ nước này. 32 người trong số họ đã nhiễm dịch Covid-19, nhưng chủng virus mới chỉ tìm thấy ở 1 người. Đồng thời, người này cảm thấy bình thường, không có triệu chứng gì.

Đáng lo ngại hơn, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc sáng 11/1 thông báo, nước này đã có thêm 103 người mắc Covid-19 trong ngày 10/1, trong đó có 85 ca trong cộng đồng.

Đây là lần đầu tiên số ca Covid-19 ở Trung Quốc đại lục tăng 3 con số, cũng là kỷ lục cao nhất về số người bệnh tăng trong ngày ở nước này sau hơn 5 tháng, mặc dù Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt các biện pháp quyết liệt ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Lần gần đây nhất Trung Quốc đại lục thông báo số ca bệnh đạt mức 3 con số là ngày 30/7/2020 với 127 trường hợp.

Đáng chú ý, trong số 85 ca Covid-19 trong cộng đồng có tới 82 người ở tỉnh Hà Bắc, 2 ca còn lại ở tỉnh Liêu Ninh và 1 trường hợp ở Bắc Kinh. Không chỉ vậy, tỉnh Hà Bắc tiếp tục có thêm 49 trường hợp không triệu chứng. Với tổng cộng 131 người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng và không triệu chứng ghi nhận chỉ trong một ngày, đây là mức tăng cao nhất kể từ khi dịch cộng đồng được phát hiện tại Hà Bắc hôm 2/1 đến nay.

2. Trong khi đó ở Mỹ, nhiều chuyên gia y tế đều đưa ra đánh giá, tình hình dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ gia tăng ở nước này trong thời gian tới bởi sự chủ quan của người dân dịp nghỉ lễ cuối năm và các sự kiện xảy ra hôm 6/1 tại Điện Capitol Mỹ.

Ngày 11/1, bác sỹ Brian Monahan của Quốc hội Mỹ đã cảnh báo nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đối với các nghị sỹ nước này, sau khi một số nhà lập pháp đã bị bao vây bởi đám đông người biểu tình tại tòa nhà Quốc hội hôm 6/1.

Báo Washington Post dẫn lời ông Brian Monahan cho biết, nhiều thành viên của Hạ viện đã được bảo vệ cách ly tại một căn phòng trong vài giờ và có thể đã tiếp xúc với người mắc Covid-19, khi những người biểu tình tràn vào.

Ông Monahan khuyến nghị các nhà lập pháp tiếp tục các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm, tiến hành việc xét nghiệm RT-PCR vào tuần tới để phòng ngừa. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết về căn phòng có người mắc bệnh trong thời gian diễn ra vụ bạo loạn tại Quốc hội.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ trong 7 ngày gần đây nhất, trung bình ghi nhận khoảng 215.000 ca mắc/ngày. Hôm 2/1, một kỷ lục u ám mới được ghi nhận khi Mỹ có gần 300.000 ca mắc mới và tổng số ca tử vong kể từ đầu dịch cán mốc hơn 350.000 ca cùng ngày.

Đến nay, Đại học Johns Hopkins cho biết, Mỹ chứng kiến khoảng 21 triệu ca mắc trong 11 tháng qua, vẫn giữ vị trí số 1 trên thế giới.

Mặc dù những con số trên vẫn vô cùng u ám nhưng dường như những ngày đen tối của nước Mỹ và thế giới vẫn ở phía trước khi biến chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh và Nam Phi. Với khả năng lây nhiễm tăng từ 50 - 70%, các biến chủng này đe dọa sẽ gia tăng sức ép với các bệnh viện giữa bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine đang được thực hiện trên toàn thế giới.

Ông Joe K. Gerald, chuyên gia tại Cao đẳng Y tế Công cộng Zuckerman của Đại học Arizona thể hiện sự lo ngại về chủng virus có khả năng lây nhiễm cao được phát hiện lần đầu ở Anh khi biến chủng mới này đã lây lan ra ít nhất 8 bang ở Mỹ, trong đó có California, Colorado, Connecticut, Florida, Georgia, New York, Pennsylvania và Texas.

Cùng với đó, 33 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp dương tính với biến chủng mới của SARS-Cov-2. Một số quốc gia khác cũng bắt đầu ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm chủng mới của SARS-CoV-2 ở Nam Phi với khả năng lây nhiễm gia tăng.

Ngày 11/1, thông báo chính thức vừa đăng trên trang thông tin của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết, qua bàn bạc giữa hai bên, nhóm chuyên gia quốc tế điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ đến Trung Quốc khảo sát vào ngày 14/1, cùng với các nhà khoa học Trung Quốc hợp tác tiến hành nghiên cứu khoa học chung về nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Hà Anh