Thu hồi xe cũ nát: Cần thiết nhưng thận trọng

Lê Anh 12/01/2021 07:39

Xung quanh văn bản của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) đề nghị TP HCM triển khai thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp cần thiết nhưng phải tính toán kỹ lưỡng tác động xã hội.

Dù nguyên nhân ô nhiễm đến từ các phương tiện thô sơ, cũ nát nhưng quá trình thu hồi cần thận trọng.

Cải thiện môi trường

Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân ký vào cuối tháng 12/2020, trong đó đề nghị TP Hà Nội và TP HCM triển khai thu hồi xe cũ nát. Đây là một trong các giải pháp Bộ TNMT cho rằng sẽ giúp tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải ở các đô thị trên.

Mức độ ô nhiễm không khí (ONKK) tại TP HCM thời gian qua có xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những “thủ phạm” chính gây ra 50% ONKK ở đô thị này đến từ các hoạt động giao thông; 30% đến từ hoạt động nấu ăn của các hộ gia đình và 20% còn lại đến từ sản xuất công nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, vấn đề cải thiện chất lượng không khí, kiểm soát ONKK được triển khai bởi đa dạng các giải pháp trong 10 năm qua tại thành phố, tuy nhiên các can thiệp đều thận trọng, nhất là các tác động ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đây, TP HCM từng triển khai rộng khắp việc cấm lưu thông các phương tiện xe 3 - 4 bánh tự chế, cho đến nay đã giảm đáng kể các loại hình giao thông này. Đó là bởi vì nguyên nhân chính dẫn tới ONKK xuất phát từ bụi, khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.

Cần đánh giá tác động

Từ các đánh giá kể trên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, văn bản của Bộ TNMT gửi các địa phương về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải, trong đó có giải pháp về thu hồi xe cũ nát là có cơ sở khoa học. Dù vậy, chuyên gia này khuyến nghị việc triển khai trên thực tiễn cần căn cứ trên cơ sở phù hợp với bối cảnh dân cư và mưu sinh của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, ThS chuyên ngành văn hóa Nguyễn Công Hoài Lương đặt vấn đề, việc thu hồi xe cũ nát để giảm thiểu tình trạng ONKK đã được nhiều quốc gia thực hiện. Cùng với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng về thu nhập của dân cư, các phương tiện di chuyển của người dân cũng thay đổi thị hiếu theo thời gian.

Mặc dù vậy, theo ông Lương, ở nhiều khu vực quận, huyện vùng ven của TP Hà Nội và TP HCM vốn tập trung lượng lao động phổ thông, với phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là xe máy thô sơ và sản xuất từ những năm 1999-2002. Vì vậy, nếu thu hồi xe cũ nát thì nên chăng có một quy chuẩn cụ thể để đo lường.

Chẳng hạn, chính quyền nên khuyến khích các hãng xe hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe mới với điều kiện kèm theo. Ngoài ra, về phía cơ quan chuyên môn cần xây dựng khung tiêu chuẩn khí thải để phân loại, đảm bảo quá trình thu hồi xe cũ nát được công khai, minh bạch, từ đó người dân tự giác đồng thuận.

“Đối với các phương tiện mô tô, xe máy cũ nát sau khi đổi nên chăng được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng. Đồng thời, các hãng xe phối hợp cùng cơ quan đề án để hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phương tiện mưu sinh mới”, ThS Nguyễn Công Hoài Lương kiến nghị.

Từ năm 2015 cho đến nay, bên cạnh việc hạn chế các phương tiện xe thô sơ, tự chế, TP HCM cũng đầu tư xây dựng nhiều trạm quan trắc áp dụng công nghệ hiện đại, đã kịp thời cảnh báo ô nhiễm môi trường không khí cho cộng đồng, người dân thành phố.

Một số ý kiến cũng nêu về thực trạng hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về thời gian sử dụng của phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe mô tô cũ nát nên chủ trương thu hồi các phương tiện này sẽ không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng đối với người dân, nhất là đối tượng người lao động và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trên thực tế, nhiều phương tiện xe máy đời cũ, động cơ sản xuất theo công nghệ cũ, đã không đạt các tiêu chí và tiêu chuẩn khí thải nhưng nhiều người vẫn tận dụng sửa chữa, cải tiến để giảm chi phí chi tiêu.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, từng có ý kiến hỗ trợ quá trính chuyển đổi phương tiện xe máy cũ đổi xe máy mới, nhưng với mức hỗ trợ chưa phù hợp và thực tế người lao động vẫn không đủ tài chính (khoảng 16-18 triệu đồng) để sở hữu một phương tiện di chuyển.

Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, UBND TP HCM và chính quyền các quận, huyện cần chú trọng vào khâu tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương tiện di chuyển phù hợp với bối cảnh thân thiện với môi trường, thực hiện không đốt chất thải rắn, rác thải sinh hoạt ở khu dân cư để giảm các nguồn phát sinh khí thải gây ONKK.

Lê Anh