Nhân rộng mô hình chống rác thải nhựa
Tuyên Quang là địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số. Mặc dù ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân còn hạn chế, nhưng với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, người dân Tuyên Quang đã dần ý thức được tác hại của sử dụng nhựa một lần. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, huy động sự tham gia của cộng đồng trong chống rác thải nhựa.
Với nhiều huyện có rừng tự nhiên, rừng trồng, Tuyên Quang được biết đến như một địa bàn có màu xanh ngút ngàn. Trước đây, bảo vệ môi trường thường gắn với bảo vệ màu xanh, nhưng những năm gần đây, cùng với sự thay đổi của thói quen sinh hoạt, rác thải nhựa như túi ni-lông, chai nhựa, vỏ hộp sữa, vỏ hộp thực phẩm, vỏ thuốc bảo vệ thực vật... ngày càng “xâm lấn” môi trường. Ngay cả ở những cánh rừng cũng có thể gặp rác thải nhựa.
Muốn đẩy lùi rác thải nhựa, phải dựa vào cộng đồng. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 1.739 thôn, tổ dân phố tương ứng với mỗi khu dân cư là một Ban Công tác Mặt trận. Đây chính là lực lượng quan trọng trong tổ chức các cuộc vận động, phong trào ở cơ sở, trong đó có nhiệm vụ “đẩy lùi” rác thải nhựa.
Trên thực tế, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã được các cấp MTTQ tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền thực hiện trong nhiều năm qua, nhất là gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, ý thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao, hiện tượng xả rác bừa bãi đã được kiềm chế, diện mạo các khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp. Song, chống rác thải nhựa là hoạt động thay đổi thói quen, hành vi của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, cần tạo một xung lực mới.
Năm 2020 Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai phát động phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Ngay sau lễ phát động, MTTQ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã hiệp thương, thống nhất, phân công nhiệm vụ, việc làm cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện.
Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư; tuyên truyền vận động nhân dân, hộ gia đình ký cam kết tự giác thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 1.200 mô hình tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.
Đi đầu trong phong trào chống rác thải nhựa là thành phố Tuyên Quang. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các xã, phường ký cam kết trong việc thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác và chống rác thải nhựa”. Ủy ban MTTQ cũng đã triển khai in ấn và phát hành 35.000 tờ rơi nhằm hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện phân loại rác.
Cùng với đó, MTTQ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể hưởng ứng phong trào, tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa. Hội LHPN thành phố tổ chức các chương trình đổi rác thải nhựa lấy vật dụng gia đình; Thành đoàn tổ chức thu gom rác thải nơi công cộng; Hội Nông dân thành phố phát động phong trào thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật”.
Hiện nay, 15/15 xã, phường trên địa bàn thành lập được 45 mô hình tổ tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Các thành viên trong tổ tự quản tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở nơi cư trú tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây hố xử lý rác thải hữu cơ.
Huyện Sơn Dương cũng là địa bàn diễn ra các hoạt động chống rác thải nhựa sôi nổi, với nhiều mô hình khác nhau. Điển hình như xã Kháng Nhật. Từ việc triển khai phòng, chống rác thải nhựa, các Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn đã thành lập được 8 mô hình bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kháng Nhật Mai Thị Nga cho biết, không chỉ nâng cao ý thức người dân trong chống rác thải nhựa, các tổ tự quản bảo vệ môi trường xã Kháng Nhật hằng tháng tổ chức các buổi lao động, quét dọn đường làng, ngõ, xóm, thu gom rác; hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định. Các thành viên trong tổ vận động người dân trong thôn tự mua sắm thùng đựng rác, túi phân loại rác thân thiện với môi trường.
Mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường tại các huyện Chiêm Hoá, Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang... cũng có nhiều đổi mới trong hoạt động phòng, chống rác thải nhựa nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung. Điển hình như xã Trung Hòa (Chiêm Hóa), Ủy ban MTTQ xã đã thành lập được 10 tổ tự quản ở 10 khu dân cư với hàng trăm thành viên tham gia, Trưởng ban Công tác Mặt trận là tổ trưởng, phó ban Công tác Mặt trận là tổ phó; trưởng các chi hội đoàn thể và các hộ gia đình của khu dân cư là thành viên của tổ tự quản.
Hằng tháng, tổ chức ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về công tác vệ sinh môi trường. Tại một số địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, vận động phải có những đổi mới theo cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu, hướng dẫn trực tiếp để bà con làm theo. Nhiều địa bàn đã tổ chức các hoạt động liên hoan văn nghệ quần chúng, gắn các hoạt động tuyên truyền chống rác thải nhựa vào các câu chuyện đời sống một cách linh hoạt, dễ hiểu.
Trong công tác phòng, chống rác thải nhựa, sự phối hợp giữa các đoàn thể nhân dân có vai trò hết sức quan trọng. Chẳng hạn, chị em phụ nữ là những người thường xuyên đi chợ, bếp núc. Hội Phụ nữ đã xây dựng các mô hình chị em dùng làn thay túi ni-lông khi đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni-lông trong sinh hoạt.
Hội Nông dân lại vận động các hội viên không vứt bao bì thuốc bảo vệ, chăm sóc thực vật hay các loại túi ni-lông ra đồng, ra rừng. Đoàn Thanh niên ở một số địa bàn lại là nòng cốt trong tổ chức các cuộc ra quân dọn rác... Với các giải pháp bài bản trong huy động sức dân, Tuyên Quang đang từng bước ngăn chặn rác thải nhựa ngay trong cộng đồng.