Chuyển 2 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công

H.Vũ 12/01/2021 07:45

Chiều 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Một đoạn cao tốc Bắc – Nam. Ảnh HH.

Trước đó cho ý kiến về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, có 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.

Theo đó, đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, còn đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Từ đó ông Thể đã kiến nghị chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu, trên cơ sở cân đối từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án.

Thẩm tra nội dung trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội khóa XIV xem xét và thông qua chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay tiến độ của dự án đã chậm so với dự kiến. Thực tế, 2 dự án thành phần này có nhu cầu vận tải rất lớn cho thấy sự cần thiết, cấp bách của 2 dự án này. Trong khi, đến nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, riêng Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023.

Do đó, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến về việc đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư của 2 dự án thành phần sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.

Việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước đối với 2 dự án thành phần này không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư, không tăng tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết định và nguồn vốn đầu tư cho 2 dự án này được sử dụng từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52.

Nếu 2 dự án thành phần này được chuyển đổi sẽ có tác động lan tỏa tốt đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc chậm triển khai dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, gây khó khăn hơn khi triển khai các dự án tiếp theo.

Với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Không đưa vào danh sách hiệp thương người không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo tại phiên họp, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Về những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác; nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định như thể hiện tại khoản 3 Điều 9, khoản 3 Điều 14, khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 28 của dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

H.Vũ