Đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản để thu hồi tài sản tham nhũng

H.Vũ 13/01/2021 06:47

Ngày 12/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Trong nhiệm kỳ, ngành Kiểm sát đã quán triệt, thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

“Trong nhiệm kỳ vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đề ra. Kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao”- ông Trí cho hay.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình: Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng. Tỷ lệ giải quyết án tham nhũng đạt cao. Đã giải quyết 1.306/1.392 vụ án, tỷ lệ 93.8%; khẩn trương kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử đúng tiến độ các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, năm 2020 tăng 29,6% so với năm 2017, tăng 13,8% so với năm 2018.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nội dung cử tri quan tâm liên quan đến thu hồi tài sản vụ án tham nhũng. Ví như nhiệm kỳ này đã thu hồi 80 ngàn tỷ đồng. “Như hôm qua khi bàn về 2 dự án của cao tốc Bắc - Nam thì vốn nhà nước cả 11 đoạn có 79 ngàn tỷ đồng. Vậy mà thu hồi tài sản tham nhũng được hơn 80 ngàn tỷ đồng. Số tiền này đem vào đầu tư sẽ tạo ra sự phát triển rất lớn, do đó cần làm rõ sự tăng giảm so với nhiệm kỳ trước để làm toát lên kết quả thu hồi tài sản tham nhũng”- ông Thanh nói.

Liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, giải trình thêm, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết: Thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ này đã cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Trước đây, các cơ quan điều tra, truy tố xét xử lúc tuyên án mới tính đến vấn đề thu hồi tài sản. Nhưng nhiệm kỳ này, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ngay từ đầu lúc khởi tố vụ án đã quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản, sau đó truy tố cũng tính tới thu hồi, cuối cùng là xét xử cũng quan tâm tới việc thu hồi. Đó chính là cái mới trong thu hồi tài sản tham nhũng tại nhiệm kỳ này.

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, do nhiều thủ tục được tháo gỡ, phối hợp ngay từ đầu nên đã thu hồi được tài sản tham nhũng. Nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10% nhưng nhiệm kỳ này hơn 50%. Tức là tăng 4-5 lần. Tuy nhiên để thu hồi được tài sản tham nhũng cần có nhiều biện pháp chứ không chỉ quá trình này. Ông Trí đề xuất, trong thu hồi tài sản tham nhũng cũng như góp phần phòng ngừa chống tham nhũng phải ban hành Luật Đăng ký tài sản.

“Hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị, nhưng nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên. Bây giờ có những người hơn 20-30 tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Biết nhưng không xử lý được vì quyền sở hữu của công dân nên không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng sẽ không còn chỗ “ẩn nấp” cho nhóm tài sản tham nhũng. Còn nếu không, cố gắng cũng chỉ đến một ngưỡng nào đó rồi dừng lại. Bởi vì “bát nước đổ đi, khi hốt lại thì không bao giờ đầy được nữa”. Tôi đã kiến nghị một vài lần vấn đề này, và đây là công cụ kèm theo để tăng cường minh bạch, chứng minh tài sản”- ông Trí nói.

H.Vũ