Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ

Hoàng Minh 13/01/2021 12:00

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, tối ngày 12/1, tại Đài tiếng nói Việt Nam đã diễn ra cuộc gặp gỡ với chủ đề “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ”.

Theo đó, xuyên suốt chương trình là những bài hát gắn với tên tuổi nhạc sĩ Phạm Tuyên như Từ làng Sen, Cánh cò trong câu hát mẹ ru (ca sĩ Phương Thanh), Từ một ngã tư đường phố (ca sĩ Phương Thanh, Tiến Mạnh), Nơi ấy Trường Sa (ca sĩ Mỹ Linh), Khát vọng mùa xuân (Lều Phương Anh), Tiễn thầy đi bộ đội (Nhật Minh Idol), Nổi trống lên các bạn ơi (Be Singer), Rước đèn dưới trăng thu - Múa sư tử - Chiếc đèn ông sao (CLB Xusmin), Cánh én tuổi thơ, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội... Bên cạnh đó, tại chương trình nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã có buổi giao lưu đầy ấm áp với các em thiếu nhi, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, nhà báo và khán giả thân thiết. Ông cũng chia sẻ, địa điểm 58 Quán Sứ, nơi tổ chức cuộc gặp gỡ chứa đựng đầy ắp kỷ niệm của các thành viên trong gia đình ông. Đó không chỉ là nơi làm việc suốt mấy chục năm của nhạc sĩ, mà còn là nơi ở của cả gia đình vào năm 1973, khi khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở 126 Đại La bị bom Mỹ san phẳng. Nơi đây có phòng thu nhạc M, con gái nhạc sĩ đã thu thanh nhiều bài hát thiếu nhi, hiện vẫn còn lưu trữ tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên giao lưu với khán giả.

Cũng trong chương trình, BTC cũng đã giới thiệu dự án “Cánh én tuổi thơ” với mục đích làm mới và phát triển bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, góp phần để đời sống tinh thần của trẻ em thêm phong phú. Nhạc sĩ chia sẻ, từ câu ngạn ngữ “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” tôi đã phát triển thành bài hát với thông điệp cuộc đời là những dòng chảy bất tận. Ở đó người ta không thể sống nếu tách mình ra khỏi vòng tay của cộng đồng. Hi vọng, với sự góp sức của nhiều người, cánh én tuổi thơ sẽ tiếp tục bay cao, bay xa hơn.

Một tiết mục tại chương trình.

Cả cuộc đời dành trọn tình yêu cho âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác gần 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông được ví như người kể lịch sử bằng âm nhạc, nhạc sĩ của nhân dân.Với những cống hiến suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001) cho 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 (năm 2012) về Văn học nghệ thuật dành cho 5 tác phẩm: Những ngôi sao ca đêm, Từ Làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Phạm Tuyên còn là nhạc sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” (năm 2011).

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác hơn 200 bài hát cho thiếu nhi.

Trước đó, NXB Hội Nhà văn cũng đã ra mắt cuốn sách “Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát”. Tác phẩm ghi dấu bề dày quá trình sáng tác suốt 55 năm, từ ca khúc Đường về trại viết năm 1950 cho đến bài cuối Ngọn lửa Thùy Trâm năm 2005. Dù tuổi cao và không còn khỏe, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn dành nhiều thời gian chăm chút cho tác phẩm mới này. Ông tâm sự, 100 bài hát trong cuốn sách do tự tay tôi tuyển chọn, là những tác phẩm tôi yêu thích nhất, đa dạng phong cách, đa dạng vùng miền. Tôi trực tiếp soát lại các bản nhạc đã được chép vi tính, các bản nhạc được chép rất đẹp và cẩn thận. Có được ấn phẩm này tôi rất xúc động.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và cuốn sách “Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát”.

Song hành cùng 100 ca khúc là những bài viết của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, trích trong Hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế” giúp độc giả có thêm thông tin, đến gần hơn những bài hát đi cùng năm tháng. Điểm đáng chú ý của tác phẩm “Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát” là những dấu mốc thời gian cho thấy một quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc để có được một sự nghiệp âm nhạc phong phú, đồ sộ. Nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái ông chia sẻ, cuốn sách đánh dấu một chặng đường của cây đại thu. Các bài hát đi cùng lịch sử đất nước. Mỗi bài hát là một câu chuyện sống động về những sự kiện, thời khắc lịch sử.

Hoàng Minh