Tiến tới bệnh viện không giấy tờ
Thông tin từ Bộ Y tế mới đây cho biết, đến thời điểm hiện tại cả nước đã có 10 bệnh viện (BV) và 1 phòng khám triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Hơn 1.000 BV đã tham gia hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Một số BV đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị bệnh ung thư.
Hỗ trợ điều trị từ xa cho nhiều ca bệnh khó
Những lợi thế của việc khám chữa bệnh trực tuyến cũng như BV không giấy tờ đã giúp người bệnh được hưởng lợi nhiều hơn; đồng thời góp phần tăng năng lực cho BV tuyến dưới, giảm tải cho BV tuyến trên.
PGS.TS Vũ Văn Giáp- Giám đốc Trung tâm Đào tạo, chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học- BV Bạch Mai cho biết, trong năm 2020 BV đã khai trương và tích cực triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa. BV đã kết nối 353 điểm cầu, tổ chức 13 buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa với 61 ca bệnh khó được tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu của BV.
Cùng với đó, trên 100.000 lượt cán bộ y tế đã được trao đổi, chia sẻ về chuyên môn từ các buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa này. Đồng thời, BV Bạch Mai cũng tổ chức 52 buổi đào tạo, tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho các đơn vị y tế với trên 10.000 lượt học viên.
Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế , PGS.TS Đào Xuân Cơ- Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, qua các chuyến công tác và làm việc tại một số địa phương khu vực Tây Nguyên, BV Bạch Mai đã nắm được tình hình nhân lực chuyên ngành hồi sức, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực của ngành y tế địa phương đang có sự thiếu hụt cả về chất và lượng.
Do đó, BV Bạch Mai đề xuất Bộ Y tế cho phép BV Bạch Mai hỗ trợ thêm về chuyên môn, đặc biệt trong các lĩnh vực trên cho ngành y tế một số tỉnh Tây Nguyên theo cả hình thức “cầm tay chỉ việc” cũng như hình thức đào trực tuyến, tư vẫn hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa...
Trước đó, trong năm 2020 đã có những trường hợp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được cấp cứu kịp thời nhờ công nghệ khám chữa bệnh từ xa. Đơn cử như BV Đa khoa Mường Khương (Lào Cai) được sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa BV Đại học Y Hà Nội đã cứu chữa cho một bệnh nhân trong tình trạng viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi, rất nguy kịch nếu không được hút dịch mủ.
Điều đáng nói, BV huyện miền núi này chưa bao giờ thực hiện kỹ thuật khó nói trên. Trong tình huống này, nếu chuyển bệnh nhân xuống Hà Nội là điều không thể…
Theo đánh giá của Bộ Y tế, với 1.100 cơ sở y tế được kết nối trên cả nước, từ những bệnh viện hạng đặc biệt cho đến các cơ sở y tế tại Mường Nhé, Cô Tô, Côn Đảo… tất cả đều có thể kết nối với nhau trong các buổi hội chẩn trực tuyến.
Chất lượng đường truyền, âm thanh, đặc biệt là các tính năng chuyên biệt dành riêng cho ngành y tế đã được đảm bảo tốt giúp các buổi hội chẩn, hỗ trợ phẫu thuật các ca bệnh phức tạp từ xa diễn ra thành công.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Như vậy, khám chữa bệnh từ xa là nhu cầu tất yếu của xã hội, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin. Cùng với đó một ứng dụng khác của công nghệ vào y tế cần phải nhắc tới, đó là mô hình BV thông minh đã được triển khai ở nhiều đơn vị.
Đơn cử như BV Bãi Cháy áp dụng thẻ khám bệnh thông minh với mục tiêu cải thiện và rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, mang đến dịch vụ y tế chất lượng cao, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ngoài việc không phải xếp hàng chờ đợi đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí, thẻ khám bệnh thông minh còn giúp các phòng khám điều phối và phân luồng được bệnh nhân, kiểm tra, quản lý được lịch sử khám, chữa bệnh trên hệ thống phần mềm, giúp kiểm soát quá trình khám, chữa bệnh của bệnh nhân một cách thuận tiện, tránh quá tải ở những giờ cao điểm.
Người bệnh cũng có thể tra cứu các kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm, siêu âm, X-quang... theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân dễ dàng trên website của bệnh viện. Hay như BV Đa khoa TP Vinh đã số hóa được trên 90% các loại giấy tờ có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh.
Công tác quản trị bệnh viện: quản trị, tuyển dụng nhân sự; quản lý trang thiết bị; quản lý nhà ăn, nhà xe, cổng ra vào; quản lý văn bản; báo cáo, tổng hợp, phân tích số liệu khám, chữa bệnh, số liệu tài chính… đều được số hóa thực hiện trên phần mềm.
Hiện nay các BV đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới BV không giấy tờ, đồng thời nâng cao năng lực điều hành và hiện đại hóa. Nhờ đó, một số quy trình đã được tự động hóa, giảm bớt phiền hà cho người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.
Ủng hộ BV không giấy tờ, người dân bày tỏ mong muốn cần đẩy nhanh tiến độ, vì theo Bộ Y tế, đến năm 2025, 100% người dân được định danh y tế; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử... Do đó, người dân mong muốn bệnh án điện tử sớm được vận hành đồng bộ trên toàn quốc để người dân đỡ khổ, tiết kiệm thời gian, tiền của bệnh nhân và Nhà nước.
Ghi nhận từ ý kiến người bệnh cho thấy họ đồng tình mong mỏi ngành y tế sớm thông tuyến các cơ sở y tế toàn quốc. Nhưng đi kèm với đó, là nâng cao giám sát tự chủ BV, nâng cao y đức của người làm nghề, linh hoạt trong quá trình làm thủ tục và khám chữa bệnh.
Trong trường hợp người bệnh có thẻ thì dùng thẻ, người có tiền mặt thì dùng tiền mặt. Không nên quá câu nệ, cứng nhắc bắt buộc phải sử dụng thẻ. Như vậy sẽ không hợp lý với những bệnh nhân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Thông tin từ Bộ Y tế, đến năm 2025, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; duy trì Cổng công khai y tế: Công khai giá các thiết bị y tế, thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá đấu thầu, giá dịch vụ y tế. 100% cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam. 100% người dân được định danh y tế; 100% cán bộ y tế được định danh. 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.