Chất lượng đào tạo: Ngành mới và nỗi lo cũ
Thời điểm này, học sinh lớp 12 trên cả nước đang rục rịch chuẩn bị cho ôn thi tốt nghiệp THPT và đăng ký tuyển sinh. Ghi nhận trong mùa tuyển sinh 2021 cho thấy, nhiều trường ĐH sẽ mở thêm những ngành học mới, đặc biệt là nhóm ngành đào tạo y dược.
Mở ngành vì nhu cầu xã hội
Ở mùa tuyển sinh 2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các trường ĐH phải tính toán kỹ lưỡng, có nghiên cứu và phân tích thị trường để đưa ra quyết định về việc mở ngành mới.
Dẫu thế, tại đề án tuyển sinh 2021 mà một số trường đã công bố, người học thấy có nhiều ngành mới được mở ra. Có trường mở và tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới. Đơn cử, năm 2021 Trường ĐH Kinh tế TP HCM công bố tuyển sinh 29 ngành và chuyên ngành cho cơ sở chính tại TP HCM.
Trong số này, có 11 ngành và chuyên ngành mới lần đầu được tuyển sinh như: Kinh tế đầu tư, bất động sản, Quản trị nhân lực, kinh doanh nông nghiệp… Trước đó, năm 2020 Trường ĐH Kinh tế TP HCM đã mở thêm 5 ngành và chuyên ngành mới. Năm 2019, trường này có 17 ngành và chuyên ngành.
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng dự kiến tuyển sinh mới 6 ngành và chuyên ngành mới trong năm 2021. Trường ĐH Văn Lang sẽ tuyển sinh 50 ngành đào tạo bậc ĐH trong năm 2021, chưa kể một số ngành mới dự kiến liên quan đến khối ngành sức khỏe. Trước đó vào năm 2016, trường này chỉ có 18 ngành đào tạo.
Trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến tuyển mới 11 ngành (trong đó có 4 ngành khối sức khỏe), nâng tổng số ngành đào tạo của trường năm 2021 lên 39 ngành. So với thời điểm năm 2011, trường này đã tăng thêm 25 ngành đào tạo bậc ĐH.
Vậy cơ sở nào để các trường mở ngành mới, đại diện các trường đều cho rằng, các ngành mới mở đều nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực và xu hướng chung thế giới. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, khẳng định việc phát triển các ngành đào tạo không nhắm đến mục tiêu mở rộng quy mô tuyển sinh. Vì dù tăng thêm 6 ngành nhưng tổng chỉ tiêu năm 2021 dự kiến vẫn tương đương năm ngoái, khoảng 8.000.
Còn một lý do khác được các chuyên gia phân tích, rằng một trong những lý do quan trọng để các trường mở thêm nhiều ngành, thậm chí không liên quan đến những ngành đang đào tạo tại trường là do Luật Giáo dục ĐH mới cho phép các trường ĐH đủ điều kiện phát triển thành ĐH đa ngành. Như vậy việc gấp rút mở các ngành mới sẽ góp phần đáp ứng được các điều kiện/tiêu chí đó.
Ai giám sát chất lượng đào tạo ngành y?
Mùa tuyển sinh năm 2021 ghi nhận sự lên ngôi của các ngành đào tạo về sức khỏe tại nhiều trường ĐH thông qua việc mở ngành này. Trên thực tế, có những trường không liên quan đến y dược cũng tham gia đào tạo/mở ngành y dược.
Đơn cử như câu chuyện của Trường ĐH Hoa Sen vừa nêu trên, năm 2021 trường này dự kiến tuyển mới 11 ngành - trong đó có 4 ngành khối sức khỏe. Bao gồm Răng-Hàm-Mặt, Dược, Kỹ thuật Y sinh và Quản lý bệnh viện dù từ trước đến nay trường này vốn có thế mạnh đào tạo các ngành kinh tế, nhà hàng khách sạn...
Hay Trường ĐH Văn Lang sẽ tuyển mới ngành Y khoa và Y học cổ truyền. Như vậy, trường này sẽ tuyển sinh, đào tạo 6 ngành khối sức khỏe, trong đó bao gồm những ngành đã mở trước đó là Răng-Hàm-Mặt, Dược, Kỹ thuật xét nghiệm y học và điều dưỡng.
Cùng với việc mở ngành mới, câu chuyện học phí của ngành y dược cũng khiến người học quan tâm đặc biệt. Đại diện Trường ĐH Hoa Sen cho biết, trong 11 ngành học mới mở, học phí ngành Răng-Hàm-Mặt là 180 triệu/năm; học phí ngành Dược học là 155 triệu/năm; học phí ngành Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật Y sinh khoảng 60 triệu/năm. Các ngành còn lại học phí dao động từ 50-70 triệu/năm. Mức học phí này không thể nói là cao, chính xác phải là quá cao.
Liên quan đến việc nhiều trường ĐH mở ngành y dược năm 2021, ông Ngô Minh Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch phân tích, việc cho phép đào tạo nhóm ngành sức khỏe tràn lan là thực trạng đáng lo ngại.
Ngành khoa học sức khỏe khá đặc thù nên nếu đầu vào thấp, quá trình đào tạo không thực sự chuẩn thì đầu ra cũng sẽ khó cao. Ông Ngô Minh Xuân cũng cho rằng Bộ Y tế và Bộ GDĐT cần có giải pháp hậu kiểm để đảm bảo chất lượng.
Trước thực trạng nhiều trường đua nhau mở ngành mới, từ mùa tuyển sinh 2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu: Các ngành đạo tạo khi mở ra cần được tính toán kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời của một số đơn vị để mở ngành. Việc làm đó sẽ khiến quyền lợi người học không được bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của nhà trường, uy tín của hệ thống cũng bị rủi ro.
Mới đây nhất, đại diện Bộ GDĐT cho biết: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, các loại hình cơ sở giáo dục ĐH bình đẳng trước pháp luật, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới, miễn là đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Khối ngành sức khỏe là một khối ngành đào tạo đặc thù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH năm 2018 đã quy định Bộ GDĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.
Tất cả hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục ĐH đối với khối ngành sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại nghị định số 111/2017/NĐ-CP.