Tết đang đến gần: Chặn thực phẩm 'bẩn’
Gần Tết, nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng thực phẩm của người dân lại tăng cao. Và đây cũng là lúc người tiêu dùng phải đối diện với nỗi lo kép. Bởi ngoài việc giá cả leo thang thì việc vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo thường trực…
Nỗi lo đến từ các chợ đầu mối
Thực phẩm bẩn có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, đặc biệt là tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tại chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội), từ tờ mờ sáng tràn lan thực phẩm tươi sống cũng như đồ đông lạnh với giá cả chênh lệch rất lớn. Cụ thể, thịt lợn ba chỉ tươi có giá khoảng 150.000kg thì loại thịt đông lạnh giá chỉ bằng nửa.
Đáng nói là mặt hàng này không có tem mác, nguồn gốc xuất xứ, thế nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh. Hay như thịt bò ở chợ này có giá khá mềm, chỉ từ 150-170 ngàn đồng/kg, chỉ bằng một nửa giá trên thị trường.
Hiện nay, ngoài hai chợ đầu mối chính gồm Tân Mai ở phía nam và Minh Khai ở Bắc Từ Liêm, còn có bốn đầu mối khác là chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ và chợ đêm Văn Quán, cung cấp khoảng hơn 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, công tác kiểm tra thực tế việc bảo đảm VSATTP ở các chợ đầu mối cho thấy, lượng hàng hóa bán ở các chợ rất lớn, nhưng phần lớn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cùng với thực phẩm, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp tết là ô mai, các loại hạt, bánh, mứt… không bảo đảm VSATTP cũng đang nóng lên trong dịp cận Tết. Chỉ cần đi một vòng các phố lớn như Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Điếu sẽ thấy nhiều mặt hàng mứt, ô mai, bánh kẹo được bày bán rất nhiều và đa phần không có tem nhãn, bao bì, không rõ nguồn gốc và hạn sử dụng. Dù không rõ chất lượng, nguồn gốc nhưng tấp nập kẻ mua, người bán.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh nông sản chạy theo lợi nhuận nên đã có hành vi vi phạm các quy định về ATTP. Qua kiểm tra thực tế, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP… Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, nguy cơ mất ATTP vẫn còn tiềm ẩn, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Tính đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hoá trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 8.529 vụ/8.548 đối tượng vi phạm về pháp luật an toàn thực phẩm, xử lý hành chính 7.659 vụ/7.189 cá nhân, tổ chức với số tiền xử phạt là 52,6 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 7 vụ/8 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm…
Để đảm bảo VSATTP dịp Tết nguyên đán, nhiều địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất cũng như cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, ngày 12/1, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATTP Tết của TP Hà Nội đã ra quân kiểm tra ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác ATTP quận Tây Hồ.
Tại buổi làm việc, đoàn đã yêu cầu các đoàn kiểm tra của quận Tây Hồ tiếp tục tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị; kiểm tra liên ngành từ cấp quận đến phường. Qua kiểm tra, đoàn phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định.
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, năm nay, ngoài việc kiểm tra công tác bảo đảm ATTP, chất lượng, nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết, cơ quan chức năng còn tập trung vào việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Theo kế hoạch, lực lượng chức năng TP sẽ lấy 100 mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm SARS-CoV-2, qua đó xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Để đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng trong dịp Tết, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Hiện nay, Ban đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên, tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm tết, rượu bia... Còn tại 3 chợ đầu mối như: Chợ Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức, Ban quản lý ATTP TPHCM có lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm tra hàng hóa nhập vào chợ.
Truy xuất nguồn gốc các loại hàng hóa
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai sớm các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ: Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo công tác quản lý, bảo đảm ATTP với định hướng trọng tâm là đến năm 2025 tất cả thực phẩm tiêu dùng trong nước đạt mức tiêu chuẩn chất lượng tương đương thực phẩm xuất khẩu; thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc đối với các loại hàng hóa thực phẩm cơ bản lưu hành trên thị trường; các sản phẩm thực phẩm uy tín phải có chỉ dẫn địa lý được công bố, bảo hộ theo quy định của pháp luật.
“Các bộ này cần khẩn trương có kế hoạch, lộ trình, biện pháp chỉ đạo thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn thực phẩm tiêu dùng trong nước và truy xuất nguồc gốc thực phẩm. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố liên quan xây dựng cơ chế và có chương trình hỗ trợ, bảo đảm các thực phẩm có uy tín, chất lượng đều có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thị trường trong nước và quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.