Hồi ức 1972

THƯ HOÀNG 14/01/2021 14:00

Cứ đến cuối tháng 12, trên mạng xã hội, nhiều người lại chia sẻ những ký ức, những bức ảnh, những cuốn sách và những bài thơ về Khâm Thiên về chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ”.

Đọc mà bùi ngùi xúc động. Đọc mà lại nhớ tới những câu thơ của thi sĩ Lưu Quang Vũ: “…Phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp/ Tiếng người la khủng khiếp xé đêm dài”. Và cũng không thể quên hai bài hát ra đời trong bom lửa chiến tranh năm 1972 của nhạc sĩ Phạm Tuyên và những bức ảnh lịch sử của NSNA Chu Chí Thành…

Ca khúc ra đời trong những đêm Hà Nội không ngủ

Trong căn phòng trên tầng 3 ở khu tập thể Vạn Bảo (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, khi diễn ra trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ông đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông nhớ lại: “Hai bài hát ra đời trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, tôi viết để nói lên tình cảm của mình là chính, nhưng đồng thời nó cũng rất hòa nhập với tình cảm của người dân Hà Nội lúc ấy. Tôi chỉ sáng tác khi nào tình cảm của người viết đồng cảm với mọi người thì sẽ có sức lan tỏa”.

Ở bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ”, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gửi gắm nhiều tâm sự cá nhân trong đó, nhưng tài năng của ông cũng đã thể hiện, khi nói về cái riêng nhưng đồng thời cũng toát lên tình cảm chung của rất nhiều người. Nhạc sĩ nhớ lại: “Hồi đó tôi đang ở khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Đại La. Ngày 19/12/1972, Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, chúng ném bom vào Đài phát thanh ở Mễ Trì lúc 4h sáng. Trưa hôm đó, không quân Mỹ lại ném bom Đài phát sóng ở Bạch Mai và khu tập thể Đại La của chúng tôi ở. Đến sáng sớm ngày 22, đế quốc Mỹ lại ném bom B-52 rải thảm, lần này chúng đã biến khu tập thể của chúng tôi ở 126 Đại La thành một đống gạch vụn, nhà của tôi cũng dính bom tan tành, sách vở cháy nham nhở, cây đàn piano vỡ tung… May mà vợ con tôi lúc đó đã đi sơ tán rồi. Chính thời điểm đó tôi có cảm xúc rất lạ, xót xa xen lẫn tự hào. Đêm hôm ấy, ngồi trong căn hầm tôi đã viết bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ”, thầm gửi tình yêu thương nhớ nhung đến vợ con lúc đó đang ở nơi sơ tán”.

Còn khi viết bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có sự “chuyển tông” thông qua lời ca và giai điệu:“Bê Năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời/ Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu/ Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần họng súng quân thù/ Một Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng”...

Sự thay đổi này có lý do của nó. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, từ sự kiện đêm 26/12, Mỹ lại ném bom dữ dội ở Hà Nội, đến mức mà trong buổi sáng giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày hôm sau (27/12), ông Trần Lâm - Giám đốc Đài khi đó đã thông báo là Quân ủy Trung ương đã có ý kiến chỉ đạo là phải kiên quyết chống lại địch, chúng ta phải dành cho địch một trận Điện Biên Phủ trên không. “Nghe từ “Điện Biên Phủ” lúc đó tôi thấy nó có một ý nghĩa rất khác, có sức lay động kỳ lạ. Đêm hôm ấy tôi đã ngồi trong hầm ở 58 Quán Sứ viết bài “Hà Nội - Điện Biên Phủ” với âm điệu không du dương như bài “Hà Nội những đêm không ngủ”, mà rất quyết liệt”, nhạc sĩ nhớ lại.

Ông cũng cho rằng, sức mạnh của âm nhạc nhiều khi không lường được hết. “Phải sống trong những giây phút như thế mới hiểu được sức mạnh của âm nhạc, thấy đó là sợi dây kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh lớn lao. Trong những năm kháng chiến, chức năng quan trọng nhất của âm nhạc là cổ vũ động viên là rất quan trọng. Nó sẽ trở thành sức mạnh nếu âm nhạc nói lên tiếng nói của mọi người, của cộng đồng lúc ấy”, nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Những bức ảnh biết nói

Nhạc sĩ Phú Quang từng kể: Mỗi khi nhớ về Hà Nội 12 ngày đêm, bên cạnh niềm tự hào về tinh thần quả cảm của quân và dân Thủ đô, tôi luôn cảm thấy xót xa, nghẹn ngào. Đặc biệt, căn phòng nhỏ của tôi ngày đó, giờ đã là nơi đặt Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Mỗi lần nhìn vào bức tượng cô gái bế đứa con trên tay, tôi lại rơm rớm nước mắt bởi những ký ức đau thương lại ùa về”.

Sau này, năm 1985, khi gặp trường ca dài gần 450 câu “Em ơi, Hà Nội phố” của thi sĩ Phan Vũ, nhạc sĩ Phú Quang đã trích 21 câu, phổ thành ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”.

“Bình thường ai cũng sợ chết cả. Nhưng lúc đó thật sự chúng tôi không sợ chết. Đó là điều rất lạ”- NSNA Chu Chí Thành vừa lật mở những tấm ảnh mình đã chụp trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vừa nói. Những bức ảnh chớp ghi khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội một thời bom rơi đạn lạc, không bao giờ chúng ta mong phải chứng kiến một lần nữa.

Năm đó, Chu Chí Thành mới 28 tuổi, chưa vợ, là phóng viên của tổ ảnh quân sự của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Trong khi cả Hà Nội phải đi sơ tán, thì các phóng viên ảnh của TTXVN được ở lại để làm nhiệm vụ, chụp ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. “Ông Đỗ Phượng khi đó là Phó Tổng biên tập TTXVN bảo chúng tôi: Các đồng chí ở lại làm nhiệm vụ nếu hi sinh sẽ được phong là liệt sĩ”. Chúng tôi cũng chỉ nghe để biết thế, còn có thể nói phóng viên ảnh rất lạc quan, không hề sợ bom Mỹ, không hề sợ hi sinh”, nhà báo Chu Chí Thành kể.

Cùng với các tay máy đàn anh, Chu Chí Thành đã có những ngày đối mặt với thần chết để có được những khoảnh khắc quý giá để đời. Bởi, ngày ấy, khắp phố phường Hà Nội khi còi báo động hú lên, tiếng loa “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội ba mươi cây số” người dân chạy xuống các hầm để trú bom thì các phóng viên ảnh nhao ra trận địa để chụp ảnh. Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại: “Hồi đó chúng tôi chỉ chú trọng chụp cảnh đổ nát, tình quân dân, những sinh hoạt của người dân… chứ ít khi chụp những hình ảnh về người bị thương, bị chết. Những bức ảnh về mất mát, hi sinh cũng có nhưng chủ yếu để lưu, để tham khảo, để cung cấp cho Ủy ban Điều tra tội ác đế quốc Mỹ ở Việt Nam làm việc”.

Giờ đây, mỗi bức ảnh với ông vẫn là một câu chuyện găm sâu vào ký ức. Đó là bức ảnh chụp khẩu đội pháo bên hồ Trúc Bạch ông vừa thực hiện được mấy ngày, khi quay lại thì toàn bộ những chiến sĩ chiến đấu ở đó và những kĩ sư Bách khoa vừa mới ra trường đã không còn một ai. Sự khốc liệt của cuộc chiến hiện ra cả ở những bức ảnh chụp B-52 tan xác ở cánh đồng Định Công cùng với viên phi công Mỹ, trong túi còn bức ảnh vợ và con gái chừng hơn 1 tuổi tươi cười. Hay cảnh Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá sau đêm ném bom kinh hoàng 22/12 và đặc biệt là ở Khâm Thiên đêm 26/12, làm chết 287 người trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ của 6 khối phố Khâm Thiên.

Bên cạnh đó, Chu Chí Thành còn chụp được những bức ảnh bạn bè quốc tế đã đến thăm và chia sẻ những đau thương mất mát của Việt Nam trong những ngày bom Mỹ tàn phá miền Bắc…

*
* *

NSNA Chu Chí Thành.

Những ngày này, ai đi qua phố Khâm Thiên cũng đều như nghiêng mình tưởng niệm. Chỉ ngay sau đêm Noel ngừng bắn, hồi 22h ngày 26/12/1972, Không quân Mỹ đã cho máy bay B52 đến ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên phá hủy ngay lập tức 534 ngôi nhà. 278 người đã chết, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới. Số người bị thương là 290 người; 178 trẻ em bị mồ côi. Ngày 26/12 trở thành ngày giỗ chung của cả phố. Đội giải cứu phố Khâm Thiên hôm ấy không ai kìm được nước mắt và nhớ mãi hình ảnh đau đớn khi đến số nhà 47, có hai mẹ con bị chết vì sức ép của bom. Người mẹ đã chết nhưng vẫn vòng tay ôm chặt, che chở cho con. Từ câu chuyện này, họa sĩ Nguyễn Tự đã cho ra đời tác phẩm điêu khắc lấy nguyên mẫu hình ảnh người mẹ bế con đã ra đi trong “đêm B-52” ấy, đạp chân lên quả bom B-52. Tượng đài đó đã được dựng ngay trên số nhà 47, 49 và 51, nơi bị bom Mỹ phá hủy hoàn toàn để ghi dấu tội ác dã man này.

Ảnh: Chu Chí Thành.

Đêm 25 rạng sáng 26/12/1972 là đỉnh cao của cuộc oanh tạc vào dân thường của máy bay Mỹ. Phố Khâm Thiên bị ném bom rải thảm, cả một dãy phố đông dân bị phá sập thành đống gạch vụn tro tàn. Cùng với Khâm Thiên, làng Sở Thượng thuộc xã Yên Sở bị trúng vệt bom gia đình hai đồng nghiệp của tôi ở trường Yên Sở bị nạn. Thầy Cao Thanh nhà sập hai con bị chết. Thầy Cao Đình Sĩ nhà sập bốn con bị chết. Đau thương tang tóc tràn ngập xóm làng! Ngôi nhà mẹ con tôi ở cũng bị hơi bom nổ làm tốc mái. May thay, quả bom cuối cùng rơi xuống Yên Sở cách nơi tôi ở 100 m.
(Trích facebook của nhà văn Lê Phương Liên)

THƯ HOÀNG