Đường sách - khơi nguồn văn hóa đọc
Hiện nay, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đều có những con đường đặc trưng với tên gọi quen thuộc “Đường sách”. Không chỉ là địa điểm vui chơi, Đường sách là điểm đến gặp gỡ, trao đổi, mua bán sách, kể những câu chuyện về sách… của những người yêu văn hóa đọc.
1. Tháng 1 này, tại Đường sách TP HCM rộn ràng hơn lúc nào hết bởi tính đến nay đã tròn 5 năm hoạt động của nơi này. Trong Tọa đàm “Đường sách TP HCM - Nhìn lại chặng đường 5 năm”, ông Lê Hoàng- Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP HCM , nhận định: Trong 5 năm qua, Đường sách là điểm đến thân thiện, điểm hẹn văn hóa của không chỉ người dân TP HCM , mà còn của du khách trong và ngoài nước. Đây không chỉ là nơi mua, đọc, trao đổi về sách, mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, nhà xuất bản. Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, trong nước và quốc tế cũng được diễn ra tại con đường này.
Sau 5 năm, Đường sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt 181 tỷ đồng, 3,5 triệu sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới…
Nhiều người yêu Đường sách TP HCM chia sẻ: Khúc đường dài 100m rợp bóng me xanh này trước khi trở thành Đường sách rất vắng lặng, chỉ để làm chỗ đậu xe. Sau 5 năm đã trở thành một không gian lãng mạn, là nơi hò hẹn của nhiều thế hệ. Bởi bên ly cà phê thơm, khách có thể trò chuyện với bạn bè, sau đó là tham quan gian hàng sách cũ, nghiên cứu sách giảm giá, hay tham gia các chương trình giới thiệu các đầu sách mới.
Sự tồn tại của Đường sách TP HCM cũng như sự phát triển, đã chứng minh nơi đây trở thành điểm sáng văn hóa của TP HCM trong 5 năm qua. Mọi người tin tưởng, sách ở Đường sách hoàn toàn có nguồn gốc. Các hoạt động văn hóa, giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm ở đây đều dựa trên cơ sở pháp lý. Đây cũng là một nguyên nhân góp phần tạo bầu không khí lành mạnh cho làng xuất bản Việt Nam.
2. Từ khi Đường sách TP HCM hình thành và đi vào hoạt động đã có nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước học tập và làm theo. Tại Hà Nội, Phố sách trên đường 19/12 (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cũng đã nhiều năm trở thành điểm đến thú vị của những người yêu sách, là một điểm đến văn hóa của người dân Thủ đô.
Trước đây, mỗi khi nhắc đến phố sách, người Hà Nội sẽ nghĩ ngay đến phố Đinh Lễ với hàng chục cửa hàng sách, hàng nghìn đầu sách của các nhà xuất bản. Nhưng nay, Hà Nội đã có một đường sách riêng của mình.
Cũng như Đường sách TP HCM , Đường sách Hà Nội có nhiều không gian để từ người lớn đến trẻ em có thể tham quan, vui chơi, tận hưởng… Người dân không những được đọc sách, tìm kiếm những cuốn sách của nhiều nhà xuất bản và công ty sách nổi tiếng mà còn được trải mình vào không gian đi bộ độc đáo, ngồi nhâm nhi cốc cà phê và đọc sách...
Phố sách Hà Nội được thiết kế gồm 16 gian hàng sách của các nhà xuất bản, nhà sách uy tín. Mỗi nhà xuất bản có một “căn nhà” riêng, được thiết kế, xây dựng hài hòa với kiến trúc, cảnh quan khu vực, trưng bày và bán nhiều loại sách. Các sách mới của từng nhà xuất bản được cập nhật thường xuyên. Ở đây có đủ mọi loại sách từ văn học, khoa học viễn tưởng đến sách thiếu nhi... Đáng chú ý, Phố sách thiết kế nhiều ghế ngồi ngay giữa dải phân cách, các khoảng trống giữa các gian hàng, để mọi người có thể nghỉ chân hay đọc sách. Giữa con phố là một quảng trường dành cho các hoạt động văn hóa ngoài trời, các cuộc tọa đàm, giao lưu, phát triển văn hóa đọc.
Đối với nhiều người, Phố sách Hà Nội có thể xem là một nơi mang nhiều ý nghĩa, như thể để nhắc nhở nhiều hơn về văn hóa đọc sách, thêm yêu sách hơn…
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Phố sách Hà Nội là sự kết hợp giữa giá trị lịch sử của Phố 19/12 và không gian văn hóa đọc, với mong muốn sẽ đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân Thủ đô, những người viết sách và những người làm công tác xuất bản. Việc mở Phố sách không những tạo sự đam mê đọc sách cho người dân mà còn giúp Thủ đô quảng bá được hình ảnh Hà Nội nghìn năm văn hiến đến với du khách thập phương. Đó là sự hòa quyện giữa không gian tri thức và văn hóa của đất nước mình.
Để Phố sách hoạt động thật sự hiệu quả, trở thành địa chỉ văn hóa yêu thích gắn bó với độc giả, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan hỗ trợ hoạt động Phố sách hiệu quả, điều phối hoạt động Phố sách một cách xuyên suốt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị tham gia. Bên cạnh đó, sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giới thiệu sách, mang đến cho độc giả không gian đầy ắp văn hóa tri thức…
Tại một số địa phương khác cũng đã có kế hoạch xây dựng Đường sách của địa phương mình. Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, UBND TP Hạ Long đã tổ chức Hội sách Quảng Ninh lần thứ nhất năm 2020. Hội sách là hoạt động tạo tiền đề để xây dựng đường sách, phố sách tại Quảng Ninh trong tương lai…
Các chuyên gia về sách cho rằng, để hoạt động Đường sách có hiệu quả, thành công và tạo được tiếng vang, cần phải biết khai thác yếu tố đặc trưng lịch sử, văn hóa bản địa của vùng đất, con người ở vùng đất đó và không ngừng đổi mới; biết huy động mọi nguồn lực xã hội chung tay vì lợi ích cộng đồng. Điều quan trọng nữa là nhận được sự hỗ trợ tích cực cả về vật chất, ý tưởng, cách làm của nhiều ban ngành, đoàn thể để sách trở thành trung tâm của những không gian văn hóa đọc.
Nhân kỷ niệm 5 năm Đường Sách TP HCM , sáng ngày 15/1, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã tham quan Đường sách. Ông Nên đặc biệt ấn tượng với chiếc xe buýt chở đầy sách. Đây là nơi các bạn trẻ có thể đọc và mượn sách miễn phí.
Bí thư Thành ủy lưu ý các cửa hàng suy nghĩ, thay đổi để hấp dẫn, thu hút bạn đọc đến với gian hàng của mình. Đồng thời, các cửa hàng cũng cần lưu ý cách kết nối, lắng nghe tâm tư của khách hàng để thay đổi phù hợp. Bên cạnh đó, ông Nên gợi ý, Đường Sách có thể lập quỹ để tặng sách cho những em thiếu nhi hoặc những người thực sự cần nhưng không có điều kiện mua. Thành phố có thể cùng hỗ trợ quỹ này.