Phòng tránh thảm họa lũ quét, sạt lở

T.Đình 17/01/2021 08:00

Cảnh báo sớm là giải pháp phi công trình được xác định là quan trọng nhất nhằm phòng tránh, giảm thảm họa lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là với vùng núi miền Trung - Tây Nguyên.

Những gì còn lại sau trận sạt lở đất kinh hoàng ngày 28/10/2020 tại Trà Leng, Quảng Nam.

Đây là một trong những nội dung được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung- nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”, do UBND tỉnh Quảng Nam và Tổng Hội xây dựng Việt Nam tổ chức sáng 16/1 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Thông tin tại hội thảo cho biết, mùa mưa năm 2020, các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu những đợt bão, lũ , sạt lở đất trên diện rộng, thời gian kéo dài, cường độ mạnh, vượt mức lịch sử và chưa từng có trong nhiều năm qua. Lũ quét, sạt lở đất vùi lấp nhiều người là nỗi đau, ám ảnh đối với nhân dân cả nước. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2020 trên 30.000 tỷ đồng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo trong dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất; Khuyến cáo các giải pháp công nghệ mới trong thiết kế xây dựng công trình dân dụng, nhà ở của người dân nhằm nâng cao khả năng chống bão, lũ, lũ quét.

PGS.TS Lã Thanh Hà - chuyên gia nghiên cứu lũ quét cho rằng, trong phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo sớm là giải pháp phi công trình được xác định là quan trọng nhất. Hiện nay, các bản tin thời tiết chưa dự báo được chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở đất mà mới dừng ở mức cảnh báo theo huyện, vùng và mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng.

Dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm trong và ngoài nước, PGS Hà khuyến cáo, chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung cần áp dụng Hệ thống cảnh báo lũ quét ALERT của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO): “Một trong những yếu tố cần theo cảnh báo của cả Tổ chức Khí tượng thế giới và của cả Nhật Bản là cần phải có trạm đo mưa. Càng nhiều càng tốt, nên đặt tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét. Xây dựng các đường tới hạn cho từng vị trí trạm. Đường ranh giới này là đường biểu thị xuất hiện lũ quét tự động chứ không phải căn cứ vào chỉ số cụ thể nào đó”- theo PGS Hà.

Tương tự, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình tránh thảm họa lũ quét, sạt lở đất, TS Hoàng Ngọc Tuấn (Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên) cho rằng, các địa phương cần rà soát đánh giá mức độ an toàn ở những vùng dân cư đang sinh sống thuộc các khu vực nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét như đã xảy ra trong năm 2020, lên phương án di dời dân thời điểm cụ thể. Các địa phương cần rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm thực vật che phủ rừng, hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét.

Đáng chú ý theo TS Tuấn: “Thi công các công trình giao thông, hệ thống thoát nước rất quan trọng, nếu chúng ta tính toán không đủ với lượng mưa lớn thì rõ ràng hệ thống thoát nước ngang và dọc không kịp. Đối với công trình thủy lợi, thủy điện, mưa lớn cộng với độ dốc và cùng với quá trình vận hành, trong quá trình xả lũ có thể gây sạt trượt trong khu vực lòng hồ. Cần đánh giá lại, kiểm tra lại các khối trượt, khi xảy ra các sự cố này thì có thể tạo ra các con sóng xung kích có thể vượt mặt đập, lúc vỡ đập rất nguy hiểm”.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mùa mưa bão năm 2020, lũ quét, sạt lở đất làm 43 người thiệt mạng, 17 người còn mất tích. Ông Thanh cho rằng, đối với khu vực miền núi miền Trung cần có những giải pháp phù hợp để thích ứng. Tất cả các công trình như giao thông thủy điện bao gồm cả việc sắp xếp bố trí dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, công tác quản lý bảo vệ rừng… là những vấn đề cần phải được đặt ra.

T.Đình