Bảo vệ pháp luật không dễ
Nhiều người nói thẳng rằng, không ít chủ tọa phiên tòa không dám xử thua cho các lãnh đạo địa phương để còn giữ quan hệ.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về công tác kiểm sát năm 2020, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, viện KSND các cấp tuy đã đạt được những thành tích nhất định, song vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần sớm khắc phục trong thời gian tới mới có thể đáp ứng yêu cầu.
Trong số những vấn đề còn tồn tại, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nhắc tới một số vấn đề “tế nhị” khi các kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Trong đó, đáng chú ý là việc các cấp viện KSND rất khó “xử” lãnh đạo tỉnh, nhất là ông/bà chủ tịch, bởi nếu “căng” quá thì sau này sẽ không thể xin được đất xây trụ sở.
Thực trạng này tồn tại đã lâu, ai cũng biết chỉ có điều chưa có ai “động tới” mà thôi. Nay thì ông Trí với vai trò là người đứng đầu cơ quan công tố cao nhất của cả nước đã “huỵch toẹt” ra giữa “thanh thiên, bạch nhật”. Viện trưởng Viện KSND tối cao đã nói hộ “nỗi lòng” của nhiều lãnh đạo các viện KSND cấp dưới.
Thực ra thì Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí mới nói một nửa của vấn đề. Bởi, nếu các cấp viện KSND ở địa phương mà không “hòa thuận” với chính quyền sở tại, không chỉ không xin được đất xây trụ sở, mà còn bị khó dễ trong việc cấp ngân sách hoạt động hàng năm, khả năng được đề bạt, bổ nhiệm sẽ “mong manh” hơn.
Còn nhớ, khi triển khai thực hiện công tác xét xử theo tinh thần của Hiến pháp 2013 cách đây mấy năm, tại các hội thảo không ít thẩm phán, chuyên gia luật đã khẳng định: TAND các cấp khó mà xét xử khách quan và độc lập được khi mà vụ án hành chính có liên quan đến lãnh đạo địa phương, nhất là vị trí bí thư, chủ tịch.
Nhiều người còn nói thẳng rằng, không ít chủ tọa phiên tòa không dám xử thua cho các lãnh đạo địa phương để còn giữ quan hệ. Nếu buộc ông/bà chủ tịch phải thu hồi văn bản đã ban hành, rất có thể năm sau sẽ chờ dài cổ ra mà không được cấp ngân sách, hoặc sẽ không được cất nhắc đề bạt, bổ nhiệm.
Tất nhiên, việc đề bạt, bổ nhiệm chánh án TAND hay viện trưởng viện KSND địa phương là do cấp trên theo ngành dọc, nhưng cũng vẫn phải có sự nhất trí, đồng thuận của lãnh đạo địa phương mới được. Và nếu lãnh đạo địa phương lắc đầu nguầy nguậy thì dù cấp trên theo ngành dọc có muốn cũng khó mà bổ nhiệm được.
Đó là lý do mà trong công tác xét xử của TAND hay kiểm sát của viện KSND tại các địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Liệu có mấy người có được dũng khí dám “căng dây, bật mực” với lãnh đạo địa phương, để rồi tự làm khó mình trong việc đề bạt, bổ nhiệm, hay xin đất xây trụ sở, xin kinh phí hoạt động?
Với những vụ án hình sự thì lại đi một nhẽ, bởi cho dù các cấp TAND, viện KSND có muốn xuê xoa, nể nang cũng không được, bởi đây là hành vi phạm tội gây hại cho xã hội. Mà nói thẳng ra cũng chẳng có ai muốn “nhẹ tay” ngay cả với những người từng là lãnh đạo địa phương, bởi họ đã trở thành khâm phạm, không còn chức vụ quyền hạn.
Song, với những vụ án dân sự, hành chính thì lại là chuyện khác, bởi dù thua hay thắng thì những lãnh đạo địa phương có liên quan vẫn còn giữ chức vụ và vẫn có khả năng để “quan tâm” tới các thẩm phán, kiểm sát viên đã “xử” họ. Vậy mới nói, việc bảo vệ pháp luật thật không dễ chút nào.