Mưu sinh trong giá rét
Trong những ngày rét cắt da cắt thịt thì vẫn có những người bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết vẫn phải lao ra đường vì công việc và cũng để mưu sinh.
Những ngày qua, không khí lạnh ảnh hưởng cả nước, đặc biệt Bắc bộ và Bắc Trung bộ rét đậm, rét hại kéo dài, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhưng, trong những ngày rét cắt da cắt thịt thì vẫn có những người bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết vẫn phải lao ra đường vì công việc và cũng để mưu sinh.
Tuần qua, rét hại tràn khắp miền Bắc, nhiệt độ xuống thấp 7-10 độ C. Trong khi hầu hết mọi người chăn ấm, đệm êm để tránh rét thì trong sự giá lạnh ấy còn rất nhiều người vì miếng cơm manh áo, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết vẫn lao ra đường để mưu sinh.
“Vạc đêm”
Đã từ nhiều năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nắng cháy da hay đông giá rét cứ đến 22h đêm là vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên lại lục tục kéo nhau ra khỏi nhà trên con xe ba gác chở rau đến chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội). Trên chiếc xe của anh chị đầy ắp đồ nông sản của Hưng Yên. Hôm nay, cũng như thường lệ, trên xe của anh chị đầy ắp cam, bắp cải, su hào, hành củ và đủ loại rau xanh khác.
Anh Biên cho biết, hai vợ chồng anh ra khỏi nhà và sẽ trở về nhà vào lúc 9h sáng hôm sau. Sau khi ăn uống xong sẽ tranh thủ ngủ một giấc đến khoảng 2h chiều sẽ tình dậy và đi gom các mối hàng ở quê. Làm nghề này rất chật vật, ngủ ngày, cày đêm, lúc đầu không quen, nhưng giờ thì làm lâu cũng dần quen giấc.
Chỉ ngặt nỗi thời tiết năm nay khắc nghiệt quá, lạnh thấu xương. Khi phải làm việc vào ban đêm, chúng tôi trang bị cho mình rất nhiều lớp áo để chống rét. Vả lại nhiệt độ có xuống thấp nữa thì vì mưu sinh cũng phải ra đường. Tuy nhiên, rét thế này, đến ăn người ta cũng ngại, cho nên cam quýt anh chị mang đi bán cũng ế ẩm theo thời tiết.
Tại chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), trong tiết trời giá rét đã vãn, người mua thưa thớt dần nhưng gánh hàng hoa cúc của chị Nguyễn Thị Kim Liên (28 tuổi) vẫn còn đầy ắp, vàng cả một khoảng chợ.
“Hoa cúc thường ngày lễ khách mới hỏi nên mình bán giữ mối. Ngày trước, có cả khách Tây chơi đêm mua hoa, giờ không có nên cũng mất một khoản kha khá” - chị Kim Liên bộc bạch. Hơn nữa, mấy hôm này thời tiết khắc nghiệt quá, dù có muốn cắm hoa cũng không muốn ra khỏi nhà để mua. Biết là hàng quán sẽ ế ẩm, nhưng mà ở nhà thì mất mối, mất khách cho nên đến giờ chị vẫn đi lấy hàng rồi đến chợ.
Anh Nguyễn Văn Hưng, lái xe Grab kiêm vận chuyển hoa thuê chia sẻ: “Ngày mưa cũng như ngày nắng, cứ 9h tối anh em có mặt ở cổng chợ. Ai thuê chở hoa thì chở. Mỗi ngày thu nhập khoảng 250.000-300.000 đồng. Trời lạnh thì không hơn mấy, vì chủ bán chậm nên không trả cao được”.
Chị Trần Thị Linh, một tiểu thương kinh doanh cá biển Ngã Tư Sở chia sẻ: Chị lấy cá biển từ nhiều tỉnh thành cấp đông lên Hà Nội. Chủ yếu là hàng từ Nam Định, Thanh Hóa. Giá cả cũng theo ngày, lúc đắt lúc rẻ. Trước không có siêu thị, người dân còn đi chợ, giờ bán chậm lắm, chủ yếu làm để giữ mối. Theo chị Linh gần đây chị chỉ nhập 50% hàng so với trước kia. Giá dầu, tiền vay ngân hàng... tăng khiến cuộc sống người lao động rất khó khăn.
“Quen mùi cá, quen mùi muối, cũng là nghề cha truyền con nối, giờ cố bám trụ qua Tết rồi tính tìm việc gì khác để làm chứ không trụ được nữa”, chị Linh buồn bã nói.
Theo chị Linh, nhiệt độ ngoài trời thời gian gần đây rất lạnh khiến người bắt buộc phải mưu sinh như chị cũng ngại ra đường. Đứng mỏi cả chân giữa trời đông giá lạnh tê người, nhưng chị còn may mắn hơn nhiều người khác, chị chỉ về phía một người đàn ông ở đó không xa và nói, “nếu hỏi có lạnh không thì chắc chắn cậu ấy lạnh hơn tôi”.
Quả thật, những tưởng chỉ có người bán cá vùi tay vào bể nước lạnh là khổ nhất thì có một kiếp người còn vất vả hơn, đó là những “phu khuân đá”. Đá ở đây là đá lạnh, đóng từng khối nặng 50 kg để ướp cá, làm mát nước trong bể cá.
Khi hỏi chuyện, anh Minh, một “phu đá” lành nghề - chìa đôi bàn tay chai sạn ra tâm sự: “Cực lắm, trời lạnh mà lương chỉ được 150.000 đồng/ngày. Lúc làm, nước đá tan ra, thấm vào từng lớp áo, lạnh cắt da cắt thịt nhưng không dám thay vì xong khách này khách kia lại gọi. Lúc chuyển đá, phải ôm vào người vì nó trơn, tuột tay là vỡ tan. Mà toàn tay trần, dùng găng cao su thì dính, găng len thì thấm lạnh”.
Tại sao không chọn một nghề “dễ thở” hơn, tôi đột ngột hỏi? Anh Minh thở dài, làm gì có nghề gì dễ kiếm tiền bây giờ, tiền dễ kiếm thế thì đã không đến lượt mình?
Lạnh thấu xương
Để chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, tại Hà Nội nhiều tỉnh thành miền Bắc người dân ùn ùn kéo đến siêu thị để mua quần áo giữ nhiệt, áo khoác dày, khẩu trang, găng tay, tất… Không chỉ là những vật dụng cá nhân, năm nay do nhiệt độ xuống thấp nhiều mặt hàng như quạt sưởi, đèn sưởi, điều hòa hai chiều cũng được người dân lựa chọn.
Đấy là người thành phố, còn tại vùng cao khi điều kiện chưa cho phép, để đối phó với nền nhiệt giảm đột ngột người dân chỉ có thể chống rét bằng việc đốt lửa sưởi. Một chủ cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Sa Pa cho biết, trong khi bán hàng anh đành chống rét bằng cách đốt lửa.
Dùng củi đốt lửa để sưởi ấm, mặc dù biết việc làm này không đúng quy định, không an toàn, thế nhưng đây là giải pháp duy nhất đề người đàn ông này có thể chống chọi với giá lạnh, để có thể ngồi bán hàng trong thời tiết giá lạnh dưới 10 độC. Sự khắc nghiệt của thời tiết đồng nghĩa với việc người dân hạn chế ra ngoài đường, vì thế khách hàng cũng giảm hơn rất nhiều so với ngày thường.
Với ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên bảo vệ cây ATM, ngoài việc mặc thêm nhiều quần áo để giữ ấm cho cơ thể thì còn phải liên tục làm những động tác như xoa 2 tay vào nhau, xoa lên mặt để bớt giá lạnh.
Ca trực đêm của những người bảo vệ cây ATM bắt đầu từ 19h tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau, trong suốt thời gian này họ phải thức trắng đêm cùng giá rét. Vì vậy, để xua đi cái lạnh đêm đông, thỉnh thoảng anh phải chạy nhiều vòng ngắn quanh chỗ trực, tuy nhiên, mùa Đông dường như đêm rất dài cứ đằng đẵng ra thật thử thách sức chịu đựng của con người.
Tại công trường làm đường tại Mộc Châu, Sơn La, một người công nhân làm đường chia sẻ, lạnh thế này người tham gia giao thông vào ban đêm ít hơn khiến các anh thuận tiện cho công việc hơn. Rét thế, rét nữa, các anh vẫn chịu được và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ công việc để công trình về đích sớm. Lạnh khô thì được, đừng mưa phùn và nồm ẩm sẽ gây bất lợi cho công việc của các anh cũng như cuộc sống người dân nơi đây.
Có thể nói với những người buôn bán ở khắp các chợ, khắp các vùng quê trên nẻo đường đất nước hay những anh bảo vệ thức suốt đêm giữa trời giá lạnh bất chấp thời tiết khắc nghiệt để mưu sinh khiến nhiều người ái ngại, nhưng dẫu thế nào, ngày họ cũng chỉ làm việc độ 8 tiếng rồi sẽ được trở về nhà. Trong cái giá rét của đêm Đông, còn có những con người cần mẫn làm việc bất kể ngày đêm, bất chấp giá lạnh của thời tiết. Đó là những người đi biển vào mùa này.
Anh Nguyễn Văn Sơn, một ngư dân ở xã đảo Minh Châu (Vân Đồn, Quảng Ninh) chia sẻ, tàu cá của anh ra khơi theo con nước. Thông thường mỗi chuyến đi sẽ kéo dài tầm nửa tháng để đến được ngư trường. Giữa bốn bề mênh mông sóng nước, không gì che chắn hỏi có lạnh không sẽ chẳng ai nói là không lạnh cả. Nhưng để thu được hải sản mang về cho vụ Tết sắp tới thì trừ khi nhiệt độ xuống dưới âm độ khiến nước biển đóng băng, thuyền không di chuyển được chúng tôi mới chịu nằm bờ. Chứ trời lạnh thế này chưa thấm vào đâu, chúng tôi vẫn phải ra khơi, vẫn phải kiếm tiền.
Theo anh Sơn, khi làm việc, các anh thậm chí không dám mặc áo dày vì rất vướng víu, không cẩn thận sẽ bị ướt cho nên, nếu nói về độ chịu đựng cái lạnh có lẽ những người đi biển là nhất.
Cuối tuần qua Công điện số 1/CĐ-TW ngày 7/1/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh, sóng lớn trên biển đã được ban hành.
Theo đó, Công điện nêu rõ, phải thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thông tin để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng, tránh.
Trong đó chú ý tổ chức kiểm tra công tác ứng phó rét đậm, rét hại tại các khu vực trọng điểm vùng cao, đảm bảo an toàn cho người, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín; căn cứ thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học.
riển khai che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất... Phải tuyên truyền cho người dân phải chủ động các giải pháp bảo vệ tài sản sức khỏe, tính mạng của chính mình là nghĩa vụ của các cấp có thẩm quyền.