Xứ Nghệ mùa Đông
Những ngày này ở miền Tây xứ Nghệ chìm trong giá rét. Đặc biệt hai huyện miền núi cao Kỳ Sơn và Tương Dương nhiều lúc nhiệt độ rơi xuống ngưỡng âm. Để chống chọi với cái rét, người dân luôn phải đỏ lửa.
Cả ngày đỏ lửa
Từ trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), chúng tôi ngược quốc lộ 7 lên xã biên giới Nậm Cắn. Núi đồi xanh bạt ngàn, trùng điệp được phủ lên lớp mây mù trắng xóa càng làm cho rừng sâu thêm ảm đạm. Chiếc xe vượt dốc, khó khăn di chuyển.
“Bật đèn lên và nhìn vào vạch kẻ giữa đường mà đi”, anh Phạm Hải, một người dân bản địa nói. Theo anh Hải, đây là kinh nghiệm mà người dân đi đèo thường áp dụng, chỉ có thực hiện như thế mới tránh được rủi ro rơi xuống vực sâu.
Quãng đường chỉ 25 km nhưng phải mất 7 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tới bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn khi trời đã nhá nhem chiều. Cái rét 2 độ C thấu da thịt, gió rừng phả vào mặt làm cơ thể thêm buốt lạnh. Trên đường thi thoảng có một vài bóng người qua lại. Gõ cửa vào nhà một người dân, từng làn khói từ bếp tỏa ra hắt vào mặt khiến người bạn đồng hành ho sặc sụa.
Chủ nhà H’ Chìa Dia (56 tuổi) cho biết: “Đợt rét này ập đến kinh khủng quá. Rạng sáng, sương nặng hạt rơi lộp bộp trên mái nhà, xô nước để ngoài trời cũng đóng băng. Mấy ngày rồi không thể lên nương rẫy phải dùng thức ăn dự trữ, mong đợt rét qua nhanh chứ không là đói, đợt rét 2016 cả nhà phải rang ngô ăn qua ngày. Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, nguồn sống cả nhà từ nương rẫy”.
Ông Dia ngắt lời, thở dài trĩu nặng với nỗi lo toan cho những ngày giá rét kéo dài. Đứa cháu nhỏ của ông Dia co ro bên bếp lửa. Nhìn cháu, ông Dia không giấu nổi thương cảm liền ôm cháu vào lòng. “Bố mẹ nó làm ăn xa, lâu lâu với gửi về mấy đồng bạc chăm con. Quần áo cũ kĩ mặc đi mặc lại, để khỏi lạnh thì áo rách cũng phải mặc thôi, nó gầy lắm nhưng mặc 6 cái áo, nhìn béo ra”, ông Dia nói.
Rời nhà ông Dia, chúng tôi tới một ngôi nhà khác gần đó. Chủ nhà Lầu Bá Hềnh (52 tuổi) hì hục chẻ củi. Xung quanh nhà anh chất đầy củi, người đàn ông này cho biết phải vào rừng gom củi dùng dự trữ, ứng phó với đợt rét.
“Tôi không phải chẻ củi cho một gia đình đâu, tôi có sức khỏe nên chẻ củi dùm cho mấy người già trong bản. Chứ để mấy ông bà ấy làm thì có mà rét cóng người cũng chẳng xong đống củi”, nói đoạn, ông Hềnh dừng tay mời chúng tôi vào nhà. Chống chọi với cái rét, nhà nào cũng nhóm bếp lửa sưởi ấm. Nồi nước nóng bốc khói nghi ngút.
Lấy nước sôi từ nồi đưa chúng tôi uống, ông Hềnh tiếp lời: “Uống cho ấm cái bụng, người dưới xuôi lên không quen rét là ngã bệnh đấy. Không đùa đâu, hôm qua có người dưới xuôi cũng lên đây nhưng sau rét ngã giữa đường, chính tôi chở đi cấp cứu. Riêng bản tôi, người già và trẻ em là hạn chế tối đa ra ngoài trời. Đốt lửa trong nhà nhưng phải ở chỗ rộng rãi, không đóng kín cửa để khói bay ra ngoài, tránh bị ngạt”.
Không chỉ chống rét cho người, người dân miền biên viễn xứ Nghệ còn phải lo cho gia súc, bởi đó là tài sản lớn nhất mà họ phải chọn. Đang cho bò uống nướ, anh Và Xìa Chia cho biết, đầu đợt rét, vợ chồng anh đã mua bạt về quấn xung quanh chuồng để khỏi gió lùa, sương bay vào. Không những vậy, phải nấu nước nóng trong nhà đặt xung quanh chuồng để bò được ấm. Phải làm như thế mới chống chọi được với đợt rét này.
Kế bên, gia đình anh Lầu Bá Lang cũng đang tất bật chống rét cho trâu bò. Trước cửa, vợ anh Lang, ôm bó cỏ về dự trữ làm thức ăn cho gia súc.
Hay như ở bản Buộc Mú 1, xã Na Ngoi, những ngày này băng giá bao phủ khắp vùng. Theo cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi, cao điểm vào những ngày này, trên các bản giáp biên giới ở Na Ngoi nhiệt độ càng ngày càng thấp, cộng với sương mù dày đặc gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi.
Thậm chí, vào khoảng 17h40 chiều ngày 11/1, tại khu vực rừng Trạm kiểm soát biên phòng Buộc Mú, thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi đã xuất hiện băng giá và tuyết bám dày trên các thân cây, bề mặt. Vùng xã Na Ngoi nhiệt độ đã xuống -3 độ. Điều này đã làm cho cuộc sống của người dân tại khu vực này gặp nhiều khó khăn.
“Mấy năm gần đây, mùa Đông đều xuất hiện băng giá, nhiệt độ xuống sâu, từ 0-1 độ và kéo dài. Riêng năm nay, trời rét liên miên, cuộc sống bị đảo lộn, dân bản gặp nhiều khó khăn”, ông Hềnh cho biết. Không chỉ ở Na Ngoi, tại xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương cũng xảy ra hiện tượng băng giá.
Đến trường để được no
Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 nằm dựa vào núi, xung quanh cây bụi rậm rạp, sương mù phủ kín khuôn viên. Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn cho hay: “Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thì nhiệt độ dưới 7 độ C là phải cho học sinh nghỉ học. Rét đậm, rét hại nhiều nhà trường đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn đến lớp, thầy cô giáo phải khuyên các em ở nhà cho ấm, khi nhiệt độ ấm lên thì có thông báo”.
Vậy nhưng, trong cái rét ấy, vẫn có nhiều học sinh lại mong được đến trường vì để được no. Em Lầu Y Huyền (học sinh lớp 5C) thật thà nói: “Em chỉ muốn đi học thôi, đến trường có thầy cô nấu cho cái ăn, no bụng. Chứ về nhà đói lắm, toàn ăn ngô”.
Theo giáo viên trường Tiểu học Nậm Cắn 1, những ngày qua, vòi nước kí túc xá của trường bị đóng băng, băng tan tạo dòng chảy nhỏ, chạm vào nước buốt lạnh thấu xương.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 cho biết: “Vào ngày 31/12, nhiệt độ tại trường là 6 độ C, Ban giám hiệu thông báo học sinh nghỉ học. May mắn trước khi nghỉ, học sinh nhà trường được đoàn từ thiện phát cho 200 chiếc áo ấm. Trong những ngày tới, nhà trường tiếp tục cho học sinh nghỉ như chỉ đạo của cấp trên. Nếu vậy trường tôi nghỉ cả mấy tháng.
Được biết, Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 có 40 cán bộ giáo viên, 428 học sinh, với 23 lớp ở 4 điểm trường. Từng đợt gió rừng ập đến, cái rét lan tràn khắp mọi lùm cây, bụi cỏ, góc nhà. Miền biên giới Nậm Cắn run cầm cập trong băng giá, những con người nơi đây đang khắc khoải chống chọi với rét đậm. Tiếng thở dài của ông H’ Chìa Dia, giọt nước mắt của chị Già Y Trữ còn ám ảnh chúng tôi lúc rời bản, xuôi đèo.
Rét đậm, rét hại kéo dài, tính đến ngày 13/1, các huyện miền núi cao Nghệ An đã có 31 con trâu, bò, bê, nghé, lợn dê ở các xã Môn Sơn, Yên Khê, Lạng Khê bị chết rét. Trong đó có 15 con trâu, 4 con bò, 9 con lợn, 3 con dê, ước thiệt hại 162 triệu đồng. Còn tại huyện Quế Phong, có hơn 100 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét. Số trâu, bò chết rét chủ yếu là thả rông trong rừng, người dân không có giải pháp chống rét.