Vì sao Bitcoin ‘trỗi dậy’?
Theo giới đầu tư tài chính, Bitcoin và một số đồng tiền mã hóa phổ biến vừa có động thái đảo chiều “trỗi dậy” sau đợt điều chỉnh “đẫm máu” lao dốc từ đầu tuần.
Vào lúc 6h30 sáng 16/1, trên CoinDesk, giá Bitcoin ghi nhận mức 37.219 USD, tăng 11,3%, tức mỗi coin thêm 3.775 USD. Điều đó một lần nữa được nhìn nhận như một sự tăng trưởng “bong bóng” đầy rủi ro.
Trong số những đồng tiền số (hay còn gọi là tiền ảo), thì Bitcoin đứng ở vị trí tiên phong khi chủ nhân của nó tuyên bố giá trị vốn hóa đã ở mức 697,6 tỷ USD vào tối ngày 16/1. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đó là “sự khuếch trương cần phải được cảnh giác”. Vì thực tế cho thấy, tuy rằng nhiều ngân hàng trung ương các quốc gia không chấp nhận Bitcoin, nhưng do truyền thông một cách rất khéo léo và ồn ào nên nó vẫn thu hút một lượng lớn người tham gia.
Một giám đốc điều hành Bitcoin, Ki Young-ju cho biết, kể cả trong “tuần lễ đẫm máu” khi tiền ảo lao dốc thì vẫn sẽ có những ông chủ lớn đổ tiền vào để ngăn không cho nó xuống dưới 30.000 USD/1 Bitcoin. Đây cũng được coi là cách “làm truyền thông” của những người cầm trịch đồng tiền ảo này.
Thực sự thì Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác vốn rất thăng trầm, kéo theo rất nhiều người vào cuộc chơi không khác gì đánh bạc. Bitcoin luôn là đồng tiền ảo có biến động giá lớn. Trong năm 2020, nó đã tăng 300%, trở thành tài sản tăng trưởng nhanh nhất. Nhưng chỉ 2 tuần đầu tiên của năm 2021 thì nó lại tuột dốc ghê gớm. “Từ vực thẳm, Bitcoin lại leo lên, rồi lại tụt xuống. Chỉ trong 1 tuần nó đã làm thế giới đảo điên” - nhận xét của giới tài chính Phố Wall (Mỹ). Họ cho rằng sự lên giá ở mức “không tưởng” của đồng tiền ảo này là hiện tượng “bong bóng” và điều này dẫn tới hậu quả không mấy tốt đẹp.
Theo Michael Hartnett - chiến lược gia đầu tư chính tại công ty đầu tư chứng khoán thuộc Ngân hàng Bank of America (BofA) là Bank of America Securities, diễn biến giá gần đây của Bitcoin có thể là hiện thân của một cơn sốt đầu cơ mà ở đó đồng tiền này đang giống như “mẹ của mọi bong bóng”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc Bitcoin tăng giá mạnh thời gian qua lớn hơn nhiều so với mức tăng của các tài sản khác trong vài thập kỷ qua, mà điều đó cho thấy một điều nó đang ”rất ảo”. Hartnett dẫn ra những tài sản có thể kể đến là giá vàng tăng vọt hơn 400% vào cuối những năm 1970, các cơn sốt đầu tư đáng chú ý khác như chứng khoán Nhật Bản vào cuối thập niên 1980, thị trường chứng khoán Thái Lan vào giữa những năm 1990, giá bất động sản vào giữa những năm 2000: Tất cả đều ghi nhận mức tăng 3 chữ số trước khi sụp đổ.
“Bitcoin cũng không nằm ngoài quy luật đó”- theo Hartnett.
Một số chuyên gia tài chính Phố Well cũng cho rằng, sở dĩ Bitcoin tăng giá thời gian qua do người ta lo ngại sự mất giá của đồng đô-la Mỹ. Tuy nhiên, khi “đồng tiền thực” này ổn định trở lại, dự kiến sau ngày 20/1/2021 khi Tổng thống đắc cử, ông Joe Biden chính thức bước vào Nhà Trắng, thì “tiền ảo” sẽ theo đà mà trôi dốc.
Theo Wikipedia, Bitcoin là một loại tiền mã hóa, được phát minh bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở, từ năm 2009. Nó có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó.
Bitcoin được cấp tới các máy tính “đào” Bitcoin để trả công cho việc xác minh giao dịch và ghi chúng vào cuốn sổ cái được phân tán trong mạng ngang hàng, thông qua công nghệ blockchain. Cuốn sổ cái này sử dụng Bitcoin là đơn vị kế toán. Mỗi bitcoin có thể được chia nhỏ tới 100 triệu đơn vị nhỏ hơn gọi là satoshi. Ngoài việc đào Bitcoin, người dùng có thể có Bitcoin bằng cách trao đổi lấy Bitcoin khi bán tiền tệ, hàng hoá, hoặc dịch vụ khác.
Hiện nhiều chính phủ không thừa nhận tính hợp pháp của đồng tiền ảo Bitcoin; đặc biệt là hệ thống ngân hàng thì cũng “dị ứng” với nó. Nhiều quốc gia coi việc đầu tư, trao đổi Bitcoin là bất hợp pháp, khuyến cáo rằng người dân “chơi” Bitcoin là may nhờ rủi chịu. Đặc biệt khi “tiền mất tật mang” thì cũng không đòi được ai vì đây là hệ thống khác biệt, như người ta vẫn nói “không biết tổ con chuồn chuồn ở đâu”.