Người Bình Liêu chống rét
Trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, nhiều nơi có băng tuyết nhưng do có sự chủ động của người dân cùng với sự sâu sát, quyết liệt của chính quyền nên trên địa bàn huyện miền núi Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh đã tránh được những thiệt hại do thời tiết gây ra.
Thay đổi tập quán
Bình Liêu là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Do địa hình của huyện nằm ở độ cao trung bình khoảng 100 m so với mặt nước biển nên nhiệt độ ở huyện Bình Liêu thường thấp hơn so với nhiệt độ trung bình khu vực các địa phương đồng bằng, địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh 2-3 độ C. Chính vì thế, công tác “chống rét” cho người dân cũng như vật nuôi, cây trồng luôn được Đảng bộ, chính quyền, người dân ở đây chú trọng, quan tâm triển khai ngay từ đầu mùa đông.
Trong đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu tháng 1/2021 vừa qua, trên địa bàn huyện Bình Liêu nhiệt độ xuống thấp trung bình từ 3-5 độ C, có những điểm núi cao như Cao Ly (xã Húc Động), Cao Xiêm (xã Lục Hồn), Cao Ba Lanh (xã Đồng Văn) và đường vành đai biên giới nhiệt độ xuống đến 0 độ C, xuất hiện băng tuyết.
Nếu như thời điểm cuối tháng 1/2018, khi xảy ra rét đâm, rét hại trên địa bàn huyện Bình Liêu làm chết hơn 300 con dê, hơn 100 con trâu, bò, nghé, bê thì đợt này do có sự chủ động, tự giác của người dân cộng với sự kiểm tra sát sao của chính quyền địa phương mà trên địa bàn không có thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Chị Lê Thị Thu Hương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, đơn vị đã phối hợp với các xã vận động, hướng dẫn người dân củng cố chuồng trại, chuẩn bị dự trữ thức ăn cho gia súc, vệ sinh và phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
Huyện cũng chỉ đạo các xã chủ động mua vải bạt, ni lông để cấp cho các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại, vận động các hộ chăn nuôi chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi, dự trữ đầy đủ thức ăn, đảm bảo khẩu phần ăn phải đủ dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân đặc biệt là các xã vùng cao, có tập quán thả rông trâu, bò trong rừng, núi phải chủ động đưa về nuôi nhốt, đảm bảo đủ ấm.
Rà từng ngõ, gõ từng nhà
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bình Liêu hiện có khoảng 6.000 con trâu bò, hơn 2.000 con lợn và hơn 100 ngàn con gia cầm. Để chủ động phòng chống rét cho người và vật nuôi, cây trồng trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã thành lập 7 tổ công tác do lãnh đạo huyện và một số phòng ban, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân phòng chống rét gắn với từng địa bàn cụ thể.
Tổ công tác có trách nhiệm “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để kiểm tra công tác phòng chống rét và dịch bệnh trong mùa đông. Do đó, đã góp phần nâng cao ý thức của người dân, của cán bộ ở cơ sở đồng thời phát hiện, khắc phục kịp thời những vấn đề phát sinh khi có yếu tố thời tiết bất lợi.
Bà Nông Thị Vuồng, ở thôn Nà kẻ (xã Tình Húc) cho biết: Gia đình nuôi 6 con trâu. Trước khi có dự báo trời rét đậm, rét hại đã được cán bộ xã đến nhà khuyến cáo và hướng dẫn cách bảo vệ gia súc nên gia đình bà đã chủ động quây bạt quanh chuồng và cây rơm để giữ ấm cho đàn trâu. Gia đình bà cũng phân công người cắt cỏ, nấu cám cho trâu ăn.
Anh Nình Văn Lằm, thôn Nà Luông (xã Vô Ngại) hiện có 12 con bò, chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Ngay từ đầu mùa đông anh đã chủ động nguồn thức ăn, chuẩn bị chuồng trại và các biện pháp phòng chống rét cho đàn bò.
Do có sự chủ động phòng, chống rét nên các hộ gia đình như bà Vuồng, anh Lằm cùng hàng trăm hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện miền núi Bình Liêu đã giữ được đàn gia súc gia cầm của mình an toàn trong giá rét.
Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh chia sẻ: Trước tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo huyện tiếp tục chỉ đạo các tổ công tác tích cực kiểm tra, rà soát các cơ sở, đặc biệt là các trường học, bệnh viện, những thôn, bản ở vùng miền núi cao để nắm bắt nhu cầu thực tế của nhân dân và có hướng hỗ trợ kịp thời người dân chống rét. Huyện luôn sẵn sàng, chủ động với tinh thần cao nhất là giảm thiểu tối đa những yếu tố bất lợi do thời tiết tác động đến sức khoẻ, tài sản của người dân.
Từ những kết quả và kinh nghiệm của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho thấy, trước những yếu tố bất lợi của thời tiết, chỉ có sự chủ động của người dân cũng như sự sâu sát, quyết liệt của chính quyền địa phương mới có thể giúp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với con người, vật nuôi và cây trồng.