Hội đồng Y khoa quốc gia: Dấu mốc quan trọng đối với y tế Việt Nam
Tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao quyết định thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa quốc gia. GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đối với hệ thống y tế Việt Nam.
Hội đồng Y khoa quốc gia có nhiệm vụ: Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và theo quy định của pháp luật.
Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật: Xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề, xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định củạ pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là bước tiếp theo trong lộ trình đổi mới công tác đào tạo y khoa những năm vừa qua.
Việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia cũng là bước tiếp theo trong lộ trình đổi mới công tác đào tạo y khoa những năm vừa qua. “Tinh thần là chúng ta thực hiện đúng các cam kết hội nhập quốc tế về chuẩn năng lực của ngành y, thực hiện hội nhập quốc tế và tiến tới công nhận văn bằng chứng chỉ của nhau, nhưng trực tiếp nhất là giúp nâng cao chất lượng nhân lực ngành y, từ đó gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong khối sức khỏe”, Phó Thủ tướng nói.
Còn theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, thì nhiều ý kiến cho rằng đây là quyết định lịch sử của ngành y tế, chuyển từ trạng thái trước đây trong quá trình đào tạo theo hệ thống cũ sang trạng thái đào tạo có tính hội nhập vừa sâu hơn vừa rộng hơn với quốc tế.
“Chúng tôi xác định trách nhiệm của Hội đồng Y khoa quốc gia rất nặng nề. Trách nhiệm của Hội đồng, Thủ tướng đã quy định rõ trong quyết định là Hội đồng phải xây dựng chuẩn năng lực đầu ra của bác sĩ, khi ra hành nghề cần có năng lực gì để đảm bảo việc hành nghề được thực hiện thông suốt”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Cùng đó, theo Bộ trưởng, việc thứ hai của Hội đồng là tổ chức thi đánh giá năng lực làm cơ sở để Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề có thời gian, thay cho việc thi cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần và có giá trị suốt đời như hiện nay. “Đây chính là dấu mốc lịch sử thay đổi ngành y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và cho biết, Bộ Y tế đã chọn đổi mới đào tạo nhân lực y tế là một trong những khâu đột phá, trong đó đổi mới cả về nội dung, chương trình và thời gian. Tuy nhiên dù có thay đổi như thế nào thì hướng đào tạo ở nước ta vẫn phải theo hướng hội nhập quốc tế.
Do đó, về việc này, nhiệm vụ của Hội đồng y khoa quốc gia rất nặng nề, phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu về đề thi, ngân hàng câu hỏi và kể cả đánh giá các tình huống khi thực hành để đảm bảo chuẩn năng lực đầu ra đối với bác sĩ.
Việc tổ chức thi, sẽ do hệ thống y tế chịu trách nhiệm chứ không phải Hội đồng khoa quốc gia tổ chức. Người hành nghề có thể thi ở nhiều nơi, nhiều lúc nhưng khi thi thực hành thì phải ở cơ sở bắt buộc. Ngành y tế sẽ đầu tư xây dựng 2 trung tâm kiểm chuẩn phải đạt đúng trình độ với các nước, và khi được cấp chứng chỉ hành nghề tại một trong hai trung tâm này sẽ được hành nghề ở nhiều nước khác chứ không phải chỉ riêng tại Việt Nam. Đây chính là điều sẽ thay đổi.