Đã đến thời điểm đất nước cất cánh
Hiến kế để thu hút nguồn nhân lực tri thức kiều bào về góp sức phát triển đất nước, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: Không nên chỉ coi nguồn nhân lực chất lượng cao là những nhà khoa học, vì đất nước cũng đang rất cần tầng lớp lao động kỹ thuật đi học nghề ở nước ngoài.
Vì vậy cần hướng đến xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai. Bởi nguồn nhân lực có hai cấp, một cấp là những người nhà khoa học, chuyên gia trí thức, cấp hai là những người công nhân kỹ thuật lành nghề.
Trong Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã xác định: Thực thi hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ. Xây dựng, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo ông Bình, “Đất nước đã hoàn thành thực hiện mục tiêu kép, vị thế của đất nước tiến lên, bà con bày tỏ vui mừng và phấn khởi nói với tôi rằng “ngày xưa cứ mong đi, còn bây giờ chỉ muốn trở về” vì trong nước bây giờ cái gì cũng có, mà an toàn. Cách đây mấy ngày, Thủ tướng đã ấn nút khởi công xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo.
Đó là dấu ấn được kiều bào đánh giá là rất mới. Mọi người phấn khởi nói rằng đất nước mình rất đáng sống, đáng để trở về nước làm việc. Và thực tế, hiện những người có con học ở nước ngoài đều mong muốn con trở về nước. Bởi có thể có được việc làm tốt, đóng góp được cho đất nước vì hiện khu vực kinh tế tư nhân đang rất phát triển”.
Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cũng cho rằng, thu hút đội ngũ trí thức kiều bào chỉ là một phần, trong bối cảnh hiện nay cần quan tâm tới số du học sinh ở nước ngoài, và đất nước phải có sức hút để họ quay về.
“Bây giờ cần quan tâm thật tốt lực lượng này. Ví như người đi xuất lao động có Bộ LĐTBXH quản lý. Bộ GDĐT chỉ quản lý những học sinh có học bổng, còn những người đi du học tự túc không được quản lý. Hàng năm số người ra nước ngoài để học tập khá lớn, vài chục nghìn người. Tôi kỳ vọng tới Đại hội XIII, vấn đề này sẽ được quan tâm hơn nữa, nếu tập hợp được họ sẽ giúp cho đất nước phát triển”, theo ông Bình.
Ông Bình cũng cho rằng, vận nước đã đến. Vừa qua chúng ta chạy nhanh nhưng vẫn “chạy đà” trên đường băng để dồn lực.
“Tới đây tôi nghĩ ta sẽ cất cánh. Tôi còn nhớ lúc làm Đại sứ tại Hàn Quốc, chỉ năm trước, năm sau, tức là 1 năm mà thu nhập bình quân đầu người của họ tăng 1.500 USD/ người. Tôi có thắc mắc Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2000, nghĩa là 10 năm để phấn đấu thu nhập bình quân từ 200 USD tăng thành 400 USD/người nhưng các bạn chỉ có 1 năm mà tăng 1.500 USD.
Lúc đó một học giả nói với tôi rằng đừng sốt ruột. Hàn Quốc giai đoạn chạy trên đường băng lúc đầu cũng chạy từ từ, sau đó chạy dồn nhanh lên nhưng vẫn chỉ ở trên đường băng, mỗi năm cách nhau vài chục USD là nhiều.
Tuy nhiên một khi đã cất cánh thì chỉ năm trước năm sau chênh nhau hàng nghìn USD là có thể và sẽ đến lúc Việt Nam như thế. Bây giờ tôi nghĩ chúng ta đã đến lúc thực sự cất cánh. Covid-19 khó khăn nhất song chúng ta đã khắc phục, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Vị thế đất nước đang lên, các hiệp định tự do thương mại vừa ký kết đang cùng một lúc hỗ trợ. Các nhân tố cùng lúc hỗ trợ nhau sẽ cho ta tạo nên sự “cộng hưởng” để đưa đất nước cất cánh”, ông Nguyễn Phú Bình nói.