Tìm cơ hội cho các tài năng trẻ sân khấu
Năm 2020, đã có 6 cuộc thi tài năng diễn viên trẻ ở các ngành sân khấu được tổ chức. Đây được xem là những cuộc tổng kiểm tra nhằm đánh giá về lực lượng diễn viên trẻ cũng như có thể đưa ra các quyết sách để thu hút nhân tài cho nghệ thuật sân khấu.
Kỳ vọng từ những cuộc thi
Không thể phủ nhận với các cuộc thi tài năng diễn viên trẻ ở các ngành sân khấu do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các Hội sân khấu chuyên ngành tổ chức trong năm 2020 đã tạo được “bàn đạp” cho nhiều nghệ sĩ trẻ bộc lộ được tài năng.
Với 56 gương mặt nghệ sĩ, 8 tập thể giành HCV và 5 giải xuất sắc từ các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong năm 2020 đã tạo nên những ngày hội để giao lưu, gặp gỡ của những nghệ sĩ trẻ. Không những vậy với các cuộc thi tài năng trẻ ngành kịch hát đã cho thấy việc đầu tư của các đơn vị nghệ thuật. Đơn cử như ở các cuộc thi ngành Chèo, Tuồng đã được BGK đánh giá rất cao về lớp diễn viên trẻ tài năng tham gia cuộc thi.
Theo NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định, ở cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo, mọi người rất vui khi nhận ra, các em còn rất trẻ đã le lói những ánh sáng của các viên ngọc long lanh, nếu được tôi luyện, thì trong vòng năm, ba năm tới, hoàn toàn có thể thay thế được thế hệ diễn viên đi trước.
Các cuộc thi trước chúng ta “đãi cát tìm vàng” cũng chỉ có 2,3 em, thì lần này, không chỉ các em được HCV mà cả những em được HCB, thậm chí cả những em chưa có Huy chương cũng có những nét tỏa sáng, có tiềm năng phát triển.
NSND Thuý Mùi cũng bày tỏ, “Là người đi trước trong nghệ thuật diễn viên, tôi như nhìn thấy được tương lai tốt lành cho nghệ thuật Chèo. Tôi khẳng định, các em không thua kém đàn anh đàn chị từng “đóng đinh” trong những vai diễn ngày xưa dù hiện tại, các em vẫn còn dựa nhiều vào khuôn mẫu được thầy bà truyền dạy nhưng trong quá trình đào luyện, những thành tựu này là bàn đạp, là cơ sở để các em trở thành tác giả của vai diễn, trở thành những nghệ sĩ nổi danh, gạo cội của đơn vị, của sân khấu”.
Tuy nhiên, không phải tất cả những diễn viên trẻ được lựa chọn đi thi đều đã đạt tới chuẩn mực nhất định. Vẫn có những em hát chênh nhịp lạc phách, múa không đúng trình thức, đường nét. Có những em thực sự “chín ép” khi đơn vị không tìm ra gương mặt sáng giá hơn.
Đa số người làm nghề đều cho rằng, hiện nay có nhiều nhà hát đang thiếu hụt diễn viên trẻ, có đào thì thiếu kép, hoặc ngược lại. Thậm chí có người vẫn đánh giá rằng, các em diễn viên chưa đủ sức gánh được trọng trách bảo tồn nghệ thuật truyền thống, hình thức kịch hát truyền thống đã bị tam sao thất bản mà bản sao sau lại ngày càng mờ nhạt.
Cơ hội cho người trẻ
Trong những năm qua, sân khấu truyền thống đang thiếu khán giả và vị thế nói chung cũng đang đi xuống, mất đi sức ảnh hưởng tới xã hội. Có lẽ đó cũng là một phần khiến người trẻ có đủ quyết tâm cống hiến tài năng cho nghệ thuật sân khấu. Đã có khoảng thời gian, sân khấu từng ở đỉnh và duy trì được vị trí ảnh hưởng ở thời kỳ hoàng kim khá dài.
Vậy nên, nhiều loại hình sân khấu đã chủ quan, bỏ qua khâu lựa chọn nhu cầu của khán giả. Có những loại hình nghệ thuật cần tới sự hiểu biết mới có thể yêu thích như nhạc thính phòng, như chèo tuồng... Vậy mà đơn vị nghệ thuật trong thời gian dài chỉ chú trọng tới học thuật, tới những điều cao siêu mà mai một dần ý thức chú ý tới khâu khán giả.
Nghệ thuật sân khấu vẫn cố vươn tới các giá trị mang tính học thuật xa vời trong khi khán giả muốn thư giãn, giải trí, muốn thưởng thức những câu chuyện đời thường nên đã tạo sự vênh lệch và tất yếu, sân khấu xa rời khán giả. Không những vậy, các bộ phận của sân khấu hiện đang thiếu gắn kết.
Nghệ sĩ, lãnh đạo đơn vị, nhà quản lý đang chỉ lo làm đúng phần việc của mình mà không có sự thấu đáo, xuyên suốt để đánh giá tổng thể đội ngũ nghệ sĩ sân khấu đang ở mức độ nào, cần làm gì. Vì vậy tạo thành tình trạng trì trệ mạnh ai nấy làm mà thiếu sự hoạch định mang tính chiến lược, gây hậu quả sân khấu xa rời hiện thực, mất đi khán giả.
Chính những nguyên nhân này đã dẫn đến tình trạng có nhiều “nam thanh, nữ tú” có đủ những khả năng thiên bẩm lại không lựa chọn ngành nghệ thuật sân khấu.
Đơn cử như những năm trước đây việc tuyển sinh chuyên ngành sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cả đợt chỉ có 10 em dự thi, trong khi chỉ tiêu là 15 em. Từ đó dẫn đến một nghịch lý là không lấy hết thì không đủ để mở lớp, lấy thì có những em rất thiếu tố chất, thiếu đi tiêu chí về chuyên môn. Vì thế, sau này các đơn vị kịch hát phải tự tuyển rồi gửi nhà trường đào tạo, nhưng đó chỉ là manh mún khi chỉ có thể áp dụng ở vài đơn vị nghệ thuật.
Thực tế cho thấy để giải quyết bất cập này không hề đơn giản. Ở đó, các nhà quản lý phải nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn để có những định hướng chiến lược. Đó không phải công việc ngày một ngày hai.
Thậm chí, muốn thu hút nhân tài, mỗi đơn vị nghệ thuật biểu diễn cần nâng cao đời sống anh chị em nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật, để các em nhìn vào thực tế người đi trước thì sẽ có thêm khả năng hấp dẫn được các em. Cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, giao quyền tự chủ để tuyển người, đưa vào định biên… Như Ninh Bình và một số tỉnh đã làm được là có chế độ đãi ngộ hệ số 2 lần lương cơ bản với các nghệ sĩ sân khấu.
Tuy nhiên cách làm này vẫn chỉ là phần ngọn. Mà quan trọng hơn, vẫn là tác phẩm hay, tác phẩm có đời sống trong xã hội, từ đó nâng cao về cơ bản vị trí cũng như mức sống cho nghệ sĩ. Được diễn nhiều, diễn liên tục, thù lao từ những đêm diễn xứng đáng, mới là đòi hỏi chính đáng cần được đáp ứng của nghệ sĩ.
Những thu nhập từ các đêm diễn mới đủ kích thích sự hưng phấn, lửa nghề với họ khi mức độ đãi ngộ tùy thuộc vào tài năng, vào sự cống hiến của mỗi cá nhân. Khi họ được tôn vinh trên sân khấu, sống hết mình với các nhân vật, sống trong sự yêu mến của khán giả, tự có được thương hiệu nghệ thuật riêng, đó mới là lực hút đủ mạnh để người tài đền với sân khấu.