Siết an toàn thực phẩm ngày cận Tết
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, sẽ kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố…
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhu cầu về thực phẩm của người dân đang và sẽ còn tăng cao, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết. Ngoài nỗi lo về giá cả “leo thang”, người tiêu dùng còn đang phải đối mặt với nỗi lo về an toàn thực phẩm (ATTP) bởi đây là thời điểm nhiều loại hàng hóa, thực phẩm… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh được tung ra thị trường.
Theo khảo sát của chúng tôi, những ngày gần Tết, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ… cũng có không ít các loại hàng hóa, bánh, mứt, kẹo không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn.
Tại một số khu vực bán buôn như: Đồng Xuân, Hàng Buồm, làng nghề Xuân Đỉnh… các loại bánh kẹo, mứt, ô mai, thậm chí các sản phẩm giò, chả, thịt lợn, gà, xúc xích hun khói được đóng trong các bao ni-lông hoặc bao tải được bày bán công khai. Tại các chợ dân sinh dễ dàng nhận thấy các loại mặt hàng phục vụ Tết như bánh, mứt, hoa quả sấy khô “3 không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng) được bày bán tràn lan.
Tại nhiều cửa hàng, mứt được chất cao trong khay hoặc bao giấy cứng không nhãn mác, với đủ chủng loại, mầu sắc sặc sỡ. Có khu chợ, do diện tích chật hẹp, cho nên các bao đựng mứt không được che chắn, bày bán ngay lối đi.
Tương tự, các mặt hàng khô được ưa chuộng và mua nhiều vào dịp Tết nhưng cũng đang bị buông lỏng quản lý, người tiêu dùng hoàn toàn không nắm bắt được thông tin về sản phẩm. Chị Minh, (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mặc dù còn ba tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng hàng hóa được bày bán rất đa dạng và phong phú, nhưng lựa chọn lại rất khó. Do đó, chị chỉ lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng.
Cùng suy nghĩ với chị Minh, chị Thanh Mai (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết: “Ở chợ gần khu nhà chị ở bày bán rất nhiều các loại hàng hóa phục vụ Tết, có rất nhiều loại không ghi nhãn mác, hạn sử dụng cũng như bảo đảm về ATTP, tuy nhiên do giá rẻ cho nên rất đông người mua”.
Còn tại chợ đầu mối thực phẩm Bình Điền, trung bình mỗi ngày nhập và bán khoảng 2.500 tấn các loại thịt cá hải sản tươi sống. Đây có thể xem là khâu sàng lọc kiểm tra quan trọng cuối cùng trước khi sản phẩm được phân phối về các chợ, cửa hàng rồi đến tay người tiêu dùng cho 24 quận huyện của TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, công tác lấy mẫu, kiểm tra liên tục là bắt buộc.
Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là chợ tự phát ăn theo chợ Bình Điền mọc lên ngày càng nhiều và không thể kiểm soát được chất lượng cũng như vấn đề an toàn thực phẩm.
Mặc dù Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã cử Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 10 túc trực thường xuyên tại chợ, hỗ trợ chợ Bình Điền trong việc giám sát lý an toàn thực phẩm hàng đêm. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn việc quản lý lý an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cần tăng cường thêm nhân sự, đồng thời tăng thêm số lượng mẫu test nhanh để mở rộng diện lấy mẫu xét nghiệm nhanh thực phẩm trước khi cung cấp ra thị trường".
Vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán năm nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên, tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm tết. Còn tại 3 chợ đầu mối gồm Chợ Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức, ngoài lực lượng túc trực thường xuyên, Ban quản lý an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thêm lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm tra hàng hóa nhập vào chợ.
Cùng với việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, ý thức của người dân, nói không với thực phẩm bẩn cũng vô cùng quan trọng. Nếu người dân kiên quyết tẩy chay, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không vì ham rẻ, thực phẩm bẩn sẽ bị loại bỏ và không còn "đất sống".
Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Hà Nội), thời điểm cuối năm, không khí mua sắm trên thị trường đã sôi động hơn trước. Nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn. Các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển.
Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP ở ngay chính người tiêu dùng khi ý thức của một số người dân về vệ sinh ATTP chưa đầy đủ, vẫn còn chủ quan chạy theo quảng cáo, thiếu thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm. Theo xu hướng chung, nhiều người dân mua thực phẩm qua các trang thông tin điện tử, trên mạng xã hội hoặc đặt mua hàng online. Mua hàng hình thức này góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả nhờ giảm tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm nhiều chi phí và được đông đảo người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mua bán qua hình thức này là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng, bởi phần lớn cơ sở bán hàng online đều không có giấy chứng nhận ATTP. Hành lang pháp lý để xử phạt còn thiếu, trong khi, phần lớn cơ sở bán hàng online lại không có giấy chứng nhận ATTP.
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021, cùng với việc thực hiện tốt các Kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; cần mạnh tay xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm…
Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn…
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức ATTP thì xử phạt “mạnh tay” cũng được coi là biện pháp hiệu quả trong ngăn chặn và răn đe người sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm. Và bên cạnh đó, mỗi người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ mình.