Ráo riết tìm mua vaccine ngừa Covid-19
Ngày 18/1, giới khoa học Nga cho biết vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do Trung tâm Khoa học Liên bang Chumakov về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm miễn dịch và sinh học, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, sản xuất có thể được vào sử dụng vào tháng 3 tới. Thông tin này lập tức gây chú ý trong bối cảnh nhiều nghi ngờ cho rằng biến thể virus SARS-CoV-2 “kháng” vaccine.
1. Theo Phó Giám đốc điều hành phụ trách về dự án và đổi mới của Trung tâm Khoa học LB Nga mang tên Chumakov là ông Konstantin Chernov, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 50 loại protein khác nhau trong bộ gene của virus SARS-CoV-2 gây Covid-19, điều này sẽ góp phần tạo ra vaccine bảo vệ cơ thể tốt hơn trước sự tấn công của virus.
Trước đó, ngày 13/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị giới chức nước này từ ngày 18/1 bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik-V ngừa Covid-19 do Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaleya hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) phát triển. Ông Putin cho rằng vaccine của Nga đã chứng minh được là loại tốt nhất trên thế giới.
Trong khi đó, cũng vào ngày 18/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước Anh tiếp tục tiêm phòng thêm cho hàng triệu người có nguy cơ cao nhất trước Covid-19. “Dù còn nhiều thách thức, song thông qua phối hợp, Anh sẽ đạt được bước tiến lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh”- ông Johnson nói. Còn Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ước tính cho đến nay, hơn 50% trong tổng số những người trên 80 tuổi ở nước này đã được tiêm phòng.
Tuy nhiên, dư luận thế giới đang tập trung về Trung Quốc, nơi mà cuối tháng 12/2019 xuất hiện virus SARS-CoV-2 (tại); và cũng là quốc gia được cho là đứng đầu trong việc chống dịch Covid-19. Sở dĩ như vậy là do tình hình lây nhiễm mới đang khá căng thẳng.
Ngày 18/1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHS) cho biết Trung Quốc ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới trong ngày 17/1 (gồm 93 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 16 ca nhập cảnh), không có ca tử vong. Theo NHS, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 54 ca ở tỉnh Hà Bắc, 30 ca ở tỉnh Cát Lâm, 7 ca ở Hắc Long Giang và 2 ca ở thủ đô Bắc Kinh. Với 16 ca nhiễm mới từ nước ngoài, số ca nhiễm nhập cảnh ở Trung Quốc đến hết ngày 17/1 đã lên tới 4.518 ca, trong đó có 4.234 bệnh nhân phục hồi và 284 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Cũng cần nói thêm, chính quyền tỉnh Cát Lâm ngày 18/1 đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm acid nucleic cho toàn cư dân thành phố tỉnh này. Những người sinh sống tại các khu dân cư biệt lập và trong làng phải tiến hành cách ly tại nhà trong khi những nhân viên được chỉ định được giao nhiệm vụ giúp đỡ họ mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Toàn bộ những cơ sở tập trung đông người, trừ siêu thị, bệnh viện, cửa hàng thuốc, cũng được yêu cầu ngừng hoạt động.
Như vậy, việc xuất hiện những ca lây nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Trung Quốc không chỉ là mối lo của nước này, mà còn khiến thế giới lo lắng.
Trong khi đó, châu Âu cũng tiếp tục mệt mỏi vì Covid-19. Tại Bồ Đào Nha, Chính phủ cho biết hệ thống y tế công cộng của nước này có nguy cơ sụp đổ do các bệnh viện tại những vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đang sắp hết giường phục vụ bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc tích cực. Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido cho rằng “hệ thống y tế của chúng ta đang trong tình trạng bị áp lực nghiêm trọng. Có một giới hạn và chúng ra rất gần với giới hạn này”.
Theo số liệu của Bộ Y tế Bồ Đào Nha, hệ thống y tế của nước này có thể tiếp nhận tối đa 672 bệnh nhân Covid-19 ở các phòng chăm sóc tích cực. Trong khi đó, số bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực ngày 18/1 đã lên tới 647 người. Đây là con số cao nhất trong vòng 7 ngày, theo trang web ourworldindata.org được Đại học Oxford hỗ trợ.
Còn tại Slovakia, chính quyền đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 7/2, trong bối cảnh nước này tiến hành chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn kéo dài nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Cụ thể là chỉ có những người có kết quả xét nghiệm âm tính mới được đến nơi làm việc, những người còn lại sẽ phải ở nhà.
2. Hiện, nhiều quốc gia đang ráo riết tìm mua vaccine ngừa Covid-19. Ngày 18/1, giới chức Y tế Iran cho biết nước này đã mua 16,8 triệu liều vaccine từ Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Người phát ngôn của Cơ quan quốc gia chống Covid-19 của Iran, ông Alireza Raisi, cho biết Tehran đã chi 52 triệu USD mua 16,8 triều liều vaccine từ chương trình COVAX để tiêm phòng cho 8,4 triệu người.
Tuy nhiên, số vaccine đó cũng chỉ có được sớm nhất trong vòng 2 tháng tới.
Cùng thời điểm, Bộ Y tế Các tiểu vương quốc A Rập Thống nhất (UAE) thông báo sẽ hạ độ tuổi tối thiểu tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ 18 tuổi xuống 16 tuổi. Hiện UAE đang cấp miễn phí vaccine Sinopharm (Trung Quốc) cho công dân và người sinh sống tại nước này; tuy nhiên người dân có thể lựa chọn giữa vaccine của Sinopharm và vaccine do Pfizer-BioNTech sản xuất.
Cùng trong khu vực, không chỉ tiêm vaccine cho người dân, Chính phủ Israel thông báo bắt đầu tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho các tù nhân, bao gồm cả tù nhân người Palestine. Trong ngày 17/1 có 20 tù nhân đã được tiêm phòng mũi đầu tiên. Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mandelblit đã kêu gọi tiêm phòng cho khoảng 4.400 tù nhân Palestine. Theo thống kê, cho tới ngày 15/1, khoảng 250 tù nhân Palestine tại Israel đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây Covid-19.
Ngày 18/1, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun thông báo loại thuốc nội địa đầu tiên của Hàn Quốc điều trị Covid-19 dự kiến sẽ được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở nước này bắt đầu từ đầu tháng 2 tới. Thủ tướng Chung Sye-kyun nêu rõ các cơ quan y tế đã triệu tập Hội đồng chuyên gia để xem xét tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc nội địa do Hãng dược phẩm Celltrion sản xuất. Nếu quá trình đánh giá thuận lợi, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng loại thuốc này sẽ được sử dụng từ đầu tháng tới.