Trải nghiệm an toàn
Trong vòng thời gian ngắn, liên tiếp có học sinh tử vong do đi dã ngoại/trải nghiệm đã khiến phụ huynh cảm thấy hoang mang, lo lắng. Trên thực tế những năm gần đây, hầu như trong mùa dã ngoại năm nào cũng xảy ra những tai nạn đáng tiếc, dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Có không ít phụ huynh chia sẻ, họ sẽ hạn chế việc cho con đi tham quan/dã ngoại với lớp vì cảm thấy không yên tâm. Nhưng nghe có vẻ chưa ổn lắm, bởi sẽ thật là vô lý khi người lớn được quyền đi chơi, còn trẻ em thích mà không được đi. Các em mong muốn được vui chơi với bạn bè, một nhu cầu chính đáng. Không ai mong muốn tai nạn xảy ra, nhưng có một sự thật là hầu hết các tai nạn ngoại khóa đều đến từ sự chủ quan và thiếu chuyên nghiệp.
Học trò tinh nghịch, “nhất quỉ nhì ma…” với nhiều trò vui không kiểm soát nổi, chính vì thế các chuyến dã ngoại phải chuẩn bị thật kỹ và theo sát các em trên từng cây số - cho dù là học sinh THPT, để không có những tai nạn thương tâm. Vậy làm sao để có chuyến đi thật vui và an toàn? Trước hết các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan không quá xa, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trước khi đưa học sinh đi dã ngoại, các trường cần phải có hoạt động tiền trạm, từ đó lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Bên cạnh đó, cần rèn kỹ năng cho học sinh như tuân thủ quy định tập thể, tự phục vụ…
Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm... Các trường nên lựa chọn những công ty lữ hành uy tín, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh. Để tránh tình trạng học sinh bị bỏ lại, bị lạc, các thầy, cô cần điểm danh thường xuyên.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, mọi hoạt động phải có sự tham gia một cách trách nhiệm của thầy cô/người phụ trách. Dã ngoại trên tinh thần tôn trọng trẻ em. Tức là chọn chương trình hữu ích và an toàn với trẻ, từ nguyện vọng của trẻ. Đừng áp đặt ý chí của người lớn đối với trẻ, ngay từ chuyện chọn điểm đến và cách đến các chương trình dã ngoại ở trường học.
Sau sự việc thương tâm xảy ra tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), khiến 1 học sinh THPT tại Hà Nội tử vong, Sở GDĐT đã yêu cầu tất cả các trường học rà soát việc tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm. Giá như việc chấp hành các quy định trong tổ chức dã ngoại/trải nghiệm cho học sinh tốt hơn; chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn có lẽ những sự cố đáng tiếc đã không xảy ra. Vậy nên việc “rà soát” nói trên chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như các trường chọn các di tích lịch sử, cách mạng, các trang trại giáo dục cho học sinh tham quan, học tập, nhằm trang bị thêm cho các em những kiến thức nằm ngoài sách vở, bồi đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước, biết ơn các bậc tiền nhân có công với đất nước, tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, rèn luyện các kỹ năng sống mà các em không được trang bị trong nhà trường. Nhưng một vài năm gần đây, không ít trường chọn những khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng để cho các em đi dã ngoại.
Rõ ràng việc tổ chức tham quan, dã ngoại là một nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Nhiều năm trở lại đây, việc các trường bắt tay với các công ty du lịch thì giáo viên đỡ vất vả nhưng rõ ràng chi phí sẽ tăng thêm. Trong khi đó, nhiệm vụ của nhà trường, các giáo viên phải thực hiện và hơn nữa phải phát huy tính tự chủ của học sinh, chứ không thể dã ngoại theo kiểu thả học sinh lang thang, vất vưởng chờ đến giờ về. Trong khi hiệu quả của giáo dục trải nghiệm chưa đo, đếm được thì tai nạn đã ập đến. Làm sao mà nói rằng phụ huynh cứ an tâm đi...?