Tiếp tục hoãn phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Đức Sơn 19/01/2021 07:02

Sáng 18/1, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm trong vụ án liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do vắng mặt bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử lần 2.

Ông Vũ Huy Hoàng.

Hoãn xét xử lần 2

Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng (64 tuổi, cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

8 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gồm: Ông Nguyễn Hữu Tín (64 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (66 tuổi, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (64 tuổi, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (59 tuổi, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Lê Quang Minh (64 tuổi, cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (47 tuổi, cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (51 tuổi, cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (46 tuổi, cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh).

Sáng ngày 18/1, Thư ký tòa thông báo vắng mặt bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Khi được hỏi, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho biết, đang cư trú tại Hà Nội, và vẫn ở toà nhà cũ nhưng đã chuyển sang căn khác do hết thời hạn thuê. Bị cáo Hoàng nói sức khỏe mình không được tốt, đang phải dùng thuốc để điều trị.

Ngoài bị cáo Nguyễn Hữu Tín, một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt như ông Phan Văn Tuất, Võ Thanh Hà đều là cự Chủ tịch HĐQT, phụ trách bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco, ông Lê Hồng Xanh, Chủ tịch HĐQT Sabeco. HĐXX chấp nhận sự vắng mặt của bị cáo Tín do Bệnh viện thông báo không thể di chuyển xa.

Đại diện VKS cho rằng do vắng bị cáo Tín và nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên đề nghị hoãn phiên tòa. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị hoãn phiên tòa và đề nghị HĐXX khi mở lại phải triệu tập ông Phan Văn Tuất, Võ Thanh Hà…

Sau khi hội ý, Chủ tọa phiên tòa thông báo phiên tòa được mở lần thứ nhất ngày 7/1 nhưng hoãn do vắng mặt một số bị cáo và nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Tòa đã triệu tập và tống đạt giấy triệu tập đến các bị cáo, những người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa ngày 18/1.

Tuy nhiên, phiên tòa ngày 18/1, một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan tiếp tục vắng mặt, giám định viên Bộ TN&MT vắng mặt không có lý do. Căn cứ đề nghị của đại diện VKS, một số luật sư và căn cứ một số quy định pháp luật, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Bà Hồ Thị Kim Thoa có vai trò gì trong vụ án?

Theo Cáo trạng, từ các năm 2011, 2012, Chính phủ đã có các Nghị quyết yêu cầu các Bộ, ngành, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính…

Tuy nhiên khi Tổng Công ty Cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM), Sabeco không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.200 tỉ đồng, nhưng ông Vũ Huy Hoàng (thời điểm này ông Hoàng đang là Bộ trưởng Bộ Công thương) vẫn quyết định cho đầu tư dự án không chấp hành các Nghị quyết của Chính phủ.

Từ năm 2012 đến năm 2016, ông Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới ký các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Ông Vũ Huy Hoàng cũng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt mà chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh liên kết để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.000m2 là tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật. Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng của Nhà nước.

Bà Hồ Thị Kim Thoa.

Trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng được xác định là đã thực hiện hành vi đồng phạm giúp sức cho ông Vũ Huy Hoàng.

Bà Thoa, ông Dũng trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất ông Hoàng ký văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện các dự án bất động sản, không phải là ngành nghề kinh doanh chính.

Sau đó bà Thoa, ông Dũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ phần góp vốn tại Sabeco Pearl và phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đánh thấp hơn giá trị thực tế, trái pháp luật.

Bà Thoa và ông Dũng bị Viện Kiểm sát quy kết cùng với ông Hoàng và các bị can khác gây thiệt hại hơn 2.700 tỉ đồng.

Do bà Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đã ra các quyết định tạm đình chỉ điều tra và ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Bà Hồ Thị Kim Thoa đang ở đâu?

Trước khi bị truy nã, vào năm 2016, bà Hồ Thị Kim Thoa từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách về mặt Đảng do có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004-5/2010).

Bà Thoa cũng bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương do còn liên quan đến một loạt những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản, thu nhập không đúng.

Đến ngày 16/8/2017, bà Thoa chính thức rời chức Thứ trưởng Bộ Công thương. Tháng 12/2020, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương.

Trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2010 - 2017, bà Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP HCM trong vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra, đề nghị truy tố.

Sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt Đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài. Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 12/2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng - Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, hiện cơ quan chức năng cũng chưa biết bà Thoa trốn ở đâu. Nếu biết thì đã bắt bà Thoa rồi.

Đức Sơn