Khổ vì đất xen kẹt
Thời gian gần đây, thị trường mua bán đất vườn, nông nghiệp (đất dịch vụ, ô đất xen kẹt) ở Hà Nội trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, do thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở khá rắc rối nên người mua nhà ở cần thận trọng với loại hình bất động sản này.
Ham đất Thủ đô giá rẻ
Anh Nguyễn Thái Tuấn (49 tuổi) ở Khương Đình, Thanh Xuân là một cò đất lâu năm ở Hà Nội. Anh chia sẻ, gần đây thị trường mua bán đất vườn xen kẹt ở Thủ đô trở lại sôi động. “Nhiều người thích đất xen kẹt là sản phẩm mua nhanh bán nhanh bởi giá trị thấp, vị trí khuất nẻo. Đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư đô thị, hoặc đất dư sau quy hoạch chưa được công nhận là đất thổ” - anh Tuấn giải thích.
Theo chân anhTuấn đi thăm các ô đất xen kẹt đang được rao bán ở phường Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội), ở đây nhu cầu người bán và người mua cao bởi khoảng cách khá gần trung tâm, lại được tiếng cạnh hồ Tây.
Các lô đất được đội cò nhắm đến là đất trồng rau hoặc trồng đào ngày xưa với diện tích 30 - 40m2. Mặc dù là đất xen kẹt, nhưng những lô đất anh được giới thiệu đã có nhà cấp 4 hoặc nhà xây 1 tầng và 1 tum có mức giá dao động từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Hỏi thăm về các lô đất, người chủ vẽ ra bao thứ về có thể làm bìa, xây dựng. Nhưng thực tế, theo cò đất lão làng như Tuấn, để làm được bìa còn phải chịu một mức hoa hồng rất cao. “Mình xem thực tế để nắm được ô đất, ví trí để giới thiệu với khách hàng. Còn làm bìa thì khó lắm, thủ tục rườm rà nên mới có giá rẻ vậy”- Tuấn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đất xen kẹt nằm trong ngõ thuộc các quận, huyện như: Tây Hồ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức… Tùy từng vị trí của mảnh đất xen kẹt mà giá cả dao động 5 - 10 triệu đồng, thậm chí có nơi lên tới 20 triệu đồng/m2.
Cũng chính vì quyền sử dụng đất mù mờ nên giá các loại đất này thường rẻ hơn 50 - 80% so với đất có đầy đủ giấy tờ ở cùng khu vực. Đơn cử như đất xen kẹt tại Vĩnh Hưng, Định Công Thượng (Hoàng Mai) có giá bán 13-18 triệu đồng/m2, đất đã có sổ đỏ là 40-50 triệu đồng/m2. Đất xen kẹt ở Ngọc Trục Đại Mỗ, Phú Diễn, Tân Mỹ, Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm) cũng dao động trong khoảng 13-25 triệu đồng/m2, bằng 50% giá thị trường của những lô đất đã đầy đủ giấy tờ pháp lý (30-40 triệu đồng/m2)...
Tại quận Hà Đông, đất xen kẹt thuộc các khu vực Yên Nghĩa, Ba La, Phú Lương… được chào bán 6 - 14 triệu đồng/m2. Đất xen kẹt tại Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), có giá bán 15 - 20 triệu đồng/m2, đất đã có sổ đỏ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2. Phần lớn các mảnh đất xen kẹt được rao bán chỉ có giấy tờ viết tay. Những người môi giới luôn khẳng định “trong tương lai có thể chuyển đổi thành đất ở”, được cấp sổ đỏ vì Nhà nước đang rà soát lại các mảnh đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp trong tình trạng xen kẹt giữa khu dân cư để chuyển đổi thành đất ở. Chỉ có điều, khoảng thời gian đó là bao lâu thì không ai nắm được.
Mòn mỏi chờ sổ đỏ
Chị Hoàng Linh, người dân ở phố Sa Đôi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết, vì thu nhập không cao, chưa có tiền tích lũy nhiều nên chục năm trước vợ chồng chị mua mảnh đất xen kẹt hơn 35 m2 với giá 600 triệu đồng ở quận Nam Từ Liêm. “Dù là đất xen kẹt không có sổ nhưng tôi thấy xung quanh nhiều người mua nên mua. Nhưng về ở mới biết nhiều bất cập”- chị Linh bắt đầu câu chuyện.
Chỉ vào mấy cột điện mới được lắp đặt, chị Linh khoe là mình và các hộ dân ở đây may mắn vừa được lắp. Thời gian đầu về, họ phải dùng điện chui vì ở trên đất nông nghiệp. Những bó dây điện loằng ngoằng, nặng trĩu, sà xuống thấp tận đầu người. “Khổ lắm, trước đó gần cả chục năm chúng tôi không có điện nước. Cột điện, dây điện người dân tự kéo rồi mua dùng với giá cao. Trời nắng nóng hay mưa rét không có đủ điện để dùng điều hòa, bình nóng lạnh. Còn sổ đó, chúng tôi đến nay vẫn chưa được cấp vì thủ tục rất phức tạp”- chị Linh than.
Cùng cảnh chị Nhung, anh Nguyễn Văn Lãm cũng mua mảnh đất xen kẹt 30m2 tại phường Sa Đôi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhưng chục năm nay chưa làm được sổ đỏ. “Lúc tôi mua, họ nói chỉ sau khoảng 1 năm sẽ lo cho giấy tờ, thủ tục để chuyển đổi sang thành đất thổ cư, khi đó an tâm để xây dựng nhà cao tầng. Nhưng thực tế giờ không thể làm được, muốn sửa nhà cấp 4 này cũng không dám”- anh Lãm than.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cho biết, vấn đề quản lý đất xen kẹt rất phức tạp. Đất xen kẹt phần lớn là đất nông nghiệp trước đây. Khi thực hiện các dự án còn thừa lại, những phần đất này không thể sản xuất nông nghiệp vì không có hệ thống thủy lợi.
“Khi mua các thửa đất này cần tìm hiểu thông tin quy hoạch và chủ sở hữu tại cơ quan chức năng địa phương. Dù giá bán rẻ nhưng việc mua đất xen kẹt tiềm ẩn rủi ro rất cao, người mua phải cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền vào loại hình này, đồng thời, tìm hiểu rõ thông tin nguồn gốc, giấy tờ thửa đất, quy định quy hoạch của địa phương tại nơi có đất để tránh thiệt thòi, tranh chấp đất sau này” - vị này nói.