Thách thức nông sản xuất khẩu
Bộ NNPTNT thông tin, năm 2021 các mặt hàng nông lâm thủy sản có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ việc ký kết và triển khai một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này mở ra cho nông sản cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.
Ngay từ ngày đầu tháng 1, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã tổ chức lễ xuất khẩu (XK) lô tôm đầu tiên tại Hậu Giang. Theo đó, 160 tấn tôm đầu tiên đã được xuất sang các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản...
Bên cạnh đó các mặt hàng như gỗ và các sản phẩm gỗ, hồ tiêu, rau quả tiếp tục là những mặt hàng có lợi thế ở thị trường Mỹ. EU là thị trường lớn thứ 3 của XK nông lâm thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, gạo là mặt hàng đang có nhu cầu cao tại EU khi vào cuối năm 2020, một số quốc gia ở EU bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa để phòng chống Covid-19 như Pháp, Đức, Anh, Bỉ… khiến nhu cầu mua lương thực để nấu tại nhà tăng lên. EU cũng là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% về khối lượng và 38% tổng kim ngạch XK…
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại rất quan trọng đối với nông sản Việt Nam, chiếm 25,14% tổng giá trị XK nông lâm thủy sản chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các FTA (hiệp định thương mại) cũng tạo ra nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và mức độ định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Đối với các thị trường XK trọng điểm của Việt Nam, như thị trường Trung Quốc, việc phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng; kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường sẽ khiến quá trình XK hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2021.
Với EU, các doanh nghiệp XK của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi để XK vào thị trường này nhưng chưa tăng mạnh với hàng nông, lâm, thủy sản.
Đối với thị trường Mỹ, Bộ NNPTNT cũng lo ngại Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng hàng rào kỹ thuật… sẽ gây tác động bất lợi tới XK các nhóm hàng lớn như thủy sản, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ. Với khối thị trường ASEAN, thách thức là sản phẩm nông sản tương đối tương đồng và sản phẩm Việt Nam cạnh tranh bởi nông sản của các nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Có thể thấy xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như các vấn đề an toàn thực phẩm, gian lận thương mại...
Giới chuyên gia nhìn nhận, từ những thách thức đặt ra cho thấy nếu muốn thâm nhập một cách bền vững vào thị trường nước ngoài, nông sản Việt Nam cần nhận diện rõ những yêu cầu đặc trưng của từng quốc gia từ đó có chính sách phù hợp để chinh phục thị trường quốc tế.