‘Làm sạch’ mạch máu: Coi chừng tiền mất tật mang

19/01/2021 10:00

Trên mạng xã hội đang chia sẻ giải pháp "làm sạch mạch máu" toàn cơ thể bằng viên uống từ thiên nhiên. Các chuyên gia y tế cảnh báo người dân không nên tin vào quảng cáo để tránh "tiền mất tật mang".

Liệu trình thần kỳ làm sạch mạch máu

Ca bệnh bị phình mạch máu não khổng lồ được bác sĩ phát hiện.

Trong một bài viết được đăng trên mạng xã hội có nội dung "bí quyết sống vui sống khỏe dành cho người có mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, cao huyết áp", người viết khẳng định mạch máu quyết định 89% sức khỏe của cơ thể. 4 bệnh do mạch máu bẩn gây ra là cao huyết áp, giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ, cơ xương khớp. Các dấu hiệu cảnh báo gồm: sưng, chứng ù tai, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi, vấn đề về thị lực, đau khớp.

Nội dung bài viết khuyến cáo: "Nếu bạn muốn sống một cuộc sống trọn vẹn, hãy thanh lọc và làm sạch các mạch máu. Các thực phẩm sạch là chìa khóa để loại bỏ 90% các bệnh mãn tính, một số trong đó được coi là không thể chữa được". Bài viết khuyên mọi người nên sử dụng một loại viên uống được ví như cỗ máy dọn dẹp từ các loại thảo dược thiên nhiên quý hiếm để loại bỏ chất nhầy cholesterol từ các mạch máu, cục máu đông bám vào thành mạch, vôi hóa - dư lượng thuốc trong máu.

Trong một nội dung khác, người viết bài đề cập đến một người cao tuổi nhất Việt Nam(?). Theo đó, trước đây khi còn khỏe mạnh cụ thường tự vào rừng hái các loại dược liệu từ thiên nhiên về uống để làm sạch mạch máu. Tuy nhiên, đến nay tuổi đã cao cụ không thể tự tay hái thuốc được nhưng cụ vẫn làm sạch mạch máu định kỳ bằng một loại chế phẩm do cháu gái từ nước ngoài gửi về.

Các thông tin về phương pháp làm sạch mạch máu loại bỏ những chất bẩn có nguy cơ gây bệnh tật đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Sau các bài viết là những bình luận về công dụng của loại chế phẩm thần kỳ, nhiều người đã đặt mua hàng về sử dụng cho bản thân hoặc tặng người thân để "làm sạch mạch máu" phòng và điều trị bệnh trong một liệu trình 14 ngày.

Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội còn quảng bá rất nhiều phương pháp, những bài thuốc dân gian có công dụng thần kỳ, giúp cơ thể đào thải được mọi loại chất độc nguy hiểm, tránh nguy cơ bị bệnh… Tuy nhiên, mọi phương pháp đều hướng đến việc quảng cáo để bán sản phẩm, các công dụng, tính hiệu quả ra sao hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học.

Các chuyên gia y tế "giật mình"

Khi được hỏi phương pháp "làm sạch mạch máu" có thể thực hiện ở đâu, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch, Đại học Y Dược TP HCM "giật mình". Ông cho biết: "Từ khi tôi làm nghề y đến nay, chưa nghe thấy có phương pháp nào làm sạch được mạch máu cả. Tôi nghĩ thông tin này chỉ nhằm vào mục đích quảng cáo chứ chắc chắn không có loại thuốc nào có thể làm sạch được mạch máu để loại trừ nguy cơ gây bệnh".

Một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đột quỵ là TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội can thiệp Thần kinh, TPHCM khẳng định: "Trong trường hợp mạch máu có những mảng xơ vữa tập trung ở một vị trí nhất định, phẫu thuật là phương pháp để loại trừ, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Đến nay không có loại thuốc nào có thể uống vào hoặc bơm vào mà làm sạch được mạch máu. Những quảng cáo trên mạng xã hội là không chính xác, không có cơ sở khoa học, người dân không nên nghe theo những quảng cáo sai sự thật để tránh tiền mất tật mang".

Ở góc nhìn của y học cổ truyền bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc, TP HCM cho biết: "Đến nay không loại thần dược nào có thể làm sạch được mạch máu giống như trên mạng đã quảng cáo. Trước đây, từng có nhiều loại thuốc cũng đã từng được thổi cho những công dụng thần kỳ có tác dụng tương tự như làm sạch mạch máu hoặc làm tan cục máu đông, phòng chống, điều trị đột quỵ nhưng đến nay đều không có căn cứ khoa học, thậm chí việc nghiên cứu còn ghi nhận những tác dụng nguy hiểm cho người bệnh".

Một bệnh nhân bị đột quỵ may mắn được các bác sĩ can thiệp kịp thời, lấy máu đông tái thông mạch máu.

BS Huỳnh Thanh Ân còn nêu đích danh một số loại thuốc được quảng cáo "làm sạch" máu có bán trên thị trường. "Chúng tôi đã nghiên cứu công dụng của các loại thuốc này trên bệnh nhân. Sau khi cho người bệnh sử dụng, chúng tôi thử chức năng đông máu thì các chỉ số hoàn toàn không có sự thay đổi. Do đó, loại thuốc này không có tác dụng điều trị đột quỵ, không có tác dụng phòng ngừa trên bệnh nhân tai biến mạch máu não giống như quảng cáo trên mạng".

Từ thực tế trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần chọn lọc thông tin khi tìm hiểu giải pháp chăm sóc sức khỏe. Trường hợp cơ thể có biểu hiện bệnh lý, cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời, không nên làm theo các phương pháp thiếu cơ sở khoa học để tránh những nguy hiểm, đe dọa tính mạng.