Giải pháp về một Hội đồng phát triển TP Thủ Đức

Thành Luân 19/01/2021 16:04

Chiều 19/1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề “Xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam”, với phần phát biểu của báo cáo viên chính là Ủy viên Bộ Chính trị, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân.

Bộ máy quản lý phải đi trước

Để đảm bảo xây dựng một bộ máy quản lý TP Thủ Đức có năng lực, dân chủ, thông minh, hiệu quả, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến các cơ chế được trung ương cho phép vận dụng theo hướng đặc thù hiện nay là Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 và Nghị quyết 1111/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 (về chính quyền đô thị). Ngoài ra, còn có cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 do Quốc hội ban hành; cơ chế về chính quyền số (SmartCity) và một Hội đồng phát triển TP Thủ Đức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, phụ trách theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TP Nguyễn Thiện Nhân báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, phụ trách theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TP Nguyễn Thiện Nhân báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

“Giải pháp xây dựng Hội đồng Phát triển TP Thủ Đức sẽ thu hút sự tham gia của đại diện các nhà khoa học, giới trí thức, đại biểu doanh nghiệp, các nhà văn hóa, người dân, chính quyền, đại diện của cấp ủy. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu, đồng thời cho rằng sợi dây xuyên suốt cho công tác quản lý tại TP Thủ Đức phải theo cơ chế Đảng lãnh đạo và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Điểm mạnh của việc sáp nhập ba quận phía Đông của TP HCM để thành lập TP Thủ Đức chính là các cơ sở về nguồn lực hết sức mạnh mẽ. Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, có 7 cấu phần tài nguyên để phát triển TP Thủ Đức, bao gồm Cụm ĐH chất lượng cao; Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo quy mô lớn; Khu Công nghệ cao; Khu thực nghiệm công nghệ mới (xe không người lái, máy bay không người lái, người máy,…); Công viên phần mềm và Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính). Cuối cùng là dịch vụ viễn thông 5G vừa được hòa mạng và đưa vào hoạt động tại đô thị mới phía đông thành phố.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Theo quy hoạch, dân số TP Thủ Đức vào năm 2040 sẽ đạt khoảng 2 triệu người và 2060 tăng lên 3 triệu người. Với 4 hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kinh tế 4.0 với quy mô dân số đủ lớn, sẽ liên kết chặt chẽ với các trung tâm còn lại của TP HCM.

“TP Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế; vừa là không gian sáng tạo và sản xuất, dịch vụ 4.0 và là một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế”, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Kinh tế 4.0 là trụ cột

Việc phát triển TP Thủ Đức theo hướng kinh tế 4.0 sẽ giúp nơi đây trở thành một “cái nôi” về công nghệ, cung cấp các giải pháp 4.0 không chỉ cho TP HCM mà cho cả khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, Bà rịa - Vũng Tàu.

Cũng theo GS Nguyễn Thiện Nhân, với lợi thế đặc biệt về hạ tầng giao thông kết nối và 7 cấu phần về nội lực, sẽ trở thành động lực giúp TP HCM duy trì vai trò đầu tàu, từ đó kết nối, tương tác mạnh mẽ với toàn vùng để hình thành vùng kinh tế 4.0 phía Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu bên lề Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Hiện nay, theo ông Nguyễn Thiện Nhân thì năng suất lao động của Khu Công nghệ cao TP HCM đã gấp 16,6 lần năng suất lao động của cả nước và nếu sau 5-10 năm thì năng suất lao động của TP Thủ Đức sẽ gấp 3 lần năng suất lao động của cả TP HCM, tương đương giá trị đóng góp GRDP của TP Thủ Đức vào kinh tế TP HCM là 30%, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam.

Về các cấu phần hạ tầng phát triển trong 5-10 năm tới, TP Thủ Đức sẽ bao gồm các hạ tầng tài chính - thương mại quy mô lớn (Trung tâm Tài chính quốc tế; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế và Hệ thống siêu thị và bán lẻ thông minh); hạ tầng xã hội (7 cấu phần), gồm hệ thống bệnh viện đạt chuẩn quốc tế; Nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch; Công viên lịch sử văn hóa dân tộc; Trung tâm thể thao Rạch Chiếc; Quảng trường Hồ Chí Minh; Hệ thống giáo dục chất lượng cao.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhớ từ giai đoạn 2018 thì Thường trực Thành ủy TP HCM đã nhận thấy các tiềm năng phát triển ở ba quận phía Đông của thành phố sau 20 năm. Nơi đây có đầy đủ tiền đề, cấu phần quan trọng để nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong một không gian địa lý đủ gần để có thể hình thành sự tương tác mạnh mẽ giữa các cấu phần này.

Mới đây, ĐH Đảng bộ TP HCM cũng đã xác định 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm để phát triển thành phố thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn 2045. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây là tiền đề để thiết kế các giải pháp chung cho trung hạn. Tuy nhiên, muốn việc quy hoạch phát triển một đô thị mới đi đến hiệu quả thì phải trả lời được các câu hỏi: Vì sao nghiên cứu và ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực thực sự để nâng cao năng suất lao động?

Để giải quyết câu hỏi trên, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để trở thành nền kinh tế lớn nhất sau hai mươi năm thì TP HCM cần học hỏi bài học phát triển của các đô thị điển hình, trong đó có TP Montreal, là thủ đô của trí tuệ nhân tạo của thế giới./

TP Thủ Đức là động lực duy trì vai trò đầu tàu cho TP Hồ Chí Minh

Từ 1986 - 2020, TP HCM đạt mức tăng trưởng bình quân 9,3%/năm, cao hơn 1,4 lần bình quân cả nước (6,54%/năm), trong đó giai đoạn 2011-2020 chỉ cao hơn gần 1,2 lần. Có nhiều lý do của tình trạng tăng trưởng kinh tế thành phố giảm vượt trội so với cả nước mà báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ lần thứ 11 đã đề cập, là do thể chế phát triển của thành phố chưa hoàn toàn phù hợp với kinh tế - xã hội; Hạ tầng phát triển chậm, là khâu cản trở lớn nhất với sự phát triển của TP HCM; Khoa học - Công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực thực sự để nâng cao năng suất lao động. Đó là các lý do để trung ương đi đến quyết định cho phép thành lập TP Thủ Đức để tạo động lực và duy trì vai trò đầu tàu cho TP HCM.

Thành Luân