Chuyện quanh khuôn viên bảo tàng
Phải đến khi vào đại học tôi mới lần đầu được bước chân vào một bảo tàng, lại là một bảo tàng lớn ở Hà Nội.
Rất lâu sau, vì nhiều lý do, tôi gần như không có dịp nào khác được đi tham quan bảo tàng. Nhưng khi có dịp, bảo tàng nơi tôi đến lại cho tôi cảm giác thích thú như lần đầu. Ấy là cách đây cũng khá lâu, tình cờ tôi được vào Bảo tàng Dân tộc học ở đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội. Nhớ dịp tôi đến, bảo tàng đang trong những ngày tổ chức trưng bày hiện vật về đời sống thời bao cấp. Vào tham quan, tôi thấy vừa quen vừa lạ.
Quen, là vì những hiện vật được trưng bày khi ấy chẳng xa lạ gì với tôi và thế hệ của tôi. Ví như tôi được thấy lại chiếc đèn dầu, loại đèn khi còn bé, nhà chưa có điện, tối tối anh em tôi có nhiệm vụ phải kiểm tra xem còn dầu hay không, bấc có còn đủ dài hay đã cháy hết để thay; rồi phải dùng khăn lau sạch nhọ đen bám trên bóng thủy tinh để khi thắp đèn được sáng. Được thấy lại chiếc đài VEC 206 chạy bằng pin, loại đài xưa nhà tôi cũng có một chiếc và cả nhà thường hay phải bực mình vì nhiều khi đang nghe “Kể chuyện cảnh giác”, “Ca nhạc theo thư yêu cầu”…, đến đoạn hay, cao trào nó lại mất sóng, kêu xè xè. Lạ, là vì những vật dụng thường đã bị vứt bỏ, bán đồng nát ấy, giờ dưới bàn tay sắp đặt của những người làm công tác bảo tàng chúng trở nên rất có hồn, mang nhiều thông tin, thông điệp, nhắc nhớ đã có một thời cả xã hội phải sống, vận hành trong khốn khó như vậy. Và, cả một thế hệ đã phải năng động, sáng tạo ra sao để thích ứng, tồn tại và đi qua nó; từ đó thấy trân trọng hơn cuộc sống đã nhiều lần tốt đẹp hơn hôm nay.
Khi trở về sống, làm việc tại quê nhà Nam Định cơ duyên thế nào tôi lại có nhiều dịp để tìm hiểu hoạt động của bảo tàng tỉnh, được gần gũi những người làm công tác này ở địa phương. Xin kể thêm rằng, trong bối cảnh Nam Định chưa phải là tỉnh giàu, thu ngân sách hằng năm còn thấp; trong “không khí” xã hội quan tâm, nói nhiều về tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, dự án triệu đô, tỷ đô…, tỉnh Nam Định vẫn đầu tư một khoản kinh phí lớn để xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh, ở một vị trí rất đẹp giữa trung tâm Thành Nam, nằm trong quần thể các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo của địa phương như Cột cờ Nam Định, chùa Vọng Cung, Vườn hoa công viên Cửa Đông, Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ…, lại khai trương đúng dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường-Nam Định (năm 2012) cho thấy chính quyền tỉnh nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng này rất quan tâm, trú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Kể từ khi công trình bảo tàng tỉnh mới được khai trương, những nhà báo hoạt động trên địa bàn như chúng tôi thường xuyên được đến dự, đưa tin về các hoạt động của Bảo tàng Nam Định. Đến rồi mới hiểu, để kéo được công chúng đến bảo tàng trong bối cảnh thành phần nào trong xã hội cũng đã và đang có hơn một lý do để không thể hoặc không muốn đến bảo tàng, như nông dân thì tối mắt với ruộng vườn; công nhân thì liên tục tăng ca, thời gian dành cho người thân còn chẳng có; giới trẻ thì theo thống kê nhiều người đang dành mỗi ngày vài giờ để lướt Facebook; công chức nhiều người sau giờ làm, ngày nghỉ là “trực chỉ” quán bia…, ông giám đốc Nguyễn Văn Thư và các cộng sự của mình đã phải trăn trở, nỗ lực thế nào? Chỉ biết, nhiều năm qua, cứ vào đầu Xuân, trong khuôn viên bảo tàng các ông lại sắp đặt, tái hiện nguyên một phiên chợ Tết, làm cho ai đến “chợ” cũng có cảm giác như được trở về, được sống trong một không gian văn hóa cổ xưa, ở một phiên chợ Tết vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Góc này người đi chơi chợ nhẩn nha thưởng ngoạn, tham gia đấu giá cổ vật, cây cảnh; góc kia đám đông rộn ràng với tiết mục rối nước vào hồi cao trào, đắm say với điệu Chầu Văn; chỗ khác ai đó ung dung ngồi hít hà tô “Phở bò cụ Tặng”, xuýt xoa với đĩa bánh cuốn làng Kênh-ẩm thực đặc trưng của địa phương, chỗ khác các cụ mải mê với ván cờ người. Mùa hè, khi học sinh được nghỉ học, các ông mời những nghệ nhân trong tỉnh đến trình diễn nghệ thuật làm đồ chơi Trung thu, biểu diễn nghệ thuật rối nước. Khi “Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của Người Việt” được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Bảo tàng Nam Định có ngay cuộc trưng bày giới thiệu về tín ngưỡng này. Cùng với đó là các hoạt động tiếp nhận, trưng bày kỷ vật chiến tranh, công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, thành tựu xây dựng nông thôn mới…
Nhìn vào công việc ông Nguyễn Văn Thư và cộng sự của mình đã và đang làm mới thấy đó là một công việc lặng thầm, đòi hỏi sự am tường, sâu sắc, say mê và không phải ai cũng nhìn nhận ra sự cố gắng, hiểu đúng giá trị, hiệu quả, ý nghĩa. Có một chuyện ông Giám đốc cứ buồn mãi, chia sẻ với chúng tôi, rằng xuất phát từ mong muốn tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nghệ thuật hát Chầu văn của Nam Định, các ông liên kết, mở quán cafe hát Văn trong khuôn viên bảo tàng, mục đích để ai yêu thích có thể vừa đến đây nhâm nhi cafe vừa thưởng thức nghệ thuật đặc sắc này. Nhưng khi mô hình hoạt động được một thời gian thì “vấp” phải ý kiến cho rằng không được phép mở hàng quán trong trụ sở cơ quan. Phía bảo tàng thì nêu ý kiến bảo tàng không phải là trụ sở cơ quan đơn thuần mà là một thiết chế văn hóa, mà thiết chế văn hóa thì được tổ chức các hoạt động mang tính văn hóa để thu hút công chúng. Chẳng biết đúng sai thế nào, chỉ thấy sau đó mô hình bị “đóng cửa”. Thành ra, từ đó đến nay, trừ những ngày có sự kiện, hoạt động trưng bày, ngang qua cứ thấy Bảo tàng tỉnh Nam Định đèm đẹp trong sự vắng vẻ.