Báo động nạn buôn bán, vận chuyển pháo lậu ngày cận Tết

Xuân Ngọc 19/01/2021 19:00

Càng gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ càng trở nên phức tạp, đặc biệt là những địa bàn giáp biên giới Trung Quốc, Lào, Camphuchia.

Nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ đã bị cơ quan chức năng bắt giữ trong những ngày cận tết nguyên đán 2021.

Trong những ngày cận Tết, thị trường buôn bán và vận chuyển trái phép pháo nổ lại bắt đầu trở nên nhộn nhịp, đặc biệt là những địa bàn giáp biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Mặc dù lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo nhưng vì có lợi nhuận cao nên các đối tượng bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, vẫn liều lĩnh vận chuyển pháo qua biên giới đưa vào thị trường nội địa Việt Nam để tiêu thụ.

Bắt giữ nhiều đối tượng

Ngày 14/1/2021, cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự Đào Mạnh Phong (44 tuổi, trú tại Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), Vi Hồng Giáp (37 tuổi, trú tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), Phạm Bá Dũng (34 tuổi, trú tại Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra về hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép pháo nổ.

Theo đó, ngày 14/1, tổ công tác của đại đội 3 thuộc tiểu đoàn CSCĐ số 2, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an TP Hà Nội đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên địa bàn đã phát hiện chiếc xe ô tô có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 10 thùng pháo, mỗi thùng có 18 dàn pháo nổ, có khối lượng khoảng 250 kg. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận mua số pháo trên từ Lạng Sơn với giá 7,2 triệu đồng/thùng rồi vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.

Khoảng 21h ngày 17/1, Công an huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tuần tra, kiểm soát tại khu vực Cô Mười, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Phương Đàm Cảnh (23 tuổi, trú tại xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) đang vận chuyển 48kg pháo hoa nổ nhập lậu từ Trung Quốc. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và đưa đối tượng về trụ sở để điều tra làm rõ.

Cùng ngày, Công an TP Pleiku đã phát hiện tại bãi đất trống sau căn nhà số 339 Lê Duẩn (phường Thắng Lợi) có 10 bao ni lông màu đen. Tiến hành kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện bên trong các túi ni lông chứa các hộp pháo hoa nổ, loại 49 viên/hộp với tổng trọng lượng 180 kg. Công an TP Pleiku đã tiến hành lập biên bản thu giữ số tang vật trên đồng thời truy tìm các đối tượng liên quan.

Trước đó, ngày 23/12/2020, Công an huyện Đông Anh, TP Hà Nội đã phát hiện bắt giữ Trịnh Văn Tuấn trú tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) về hành vi buôn bán 40 hộp pháo dàn, 420 quả pháo tròn, 2 bánh pháo.

Công an huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đã bắt giữ đối tượng Lê Xuân Hoan (giữa) cùng tang vật là 429 kg pháo lậu.

Ngày 15/12/2020, tại Km 73+350, quốc lộ 9, đoạn qua thôn Làng Vây, xã Tân Long, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị và Công an huyện Hướng Hóa kiểm tra một xe máy do Nguyễn Minh Dũng (33 tuổi, trú tại thôn Long Phụng, xã Tân Long) điều khiển. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong túi xách du lịch và ba lô của Dũng chứa 15 hộp pháo, với tổng trọng lượng hơn 20 kg pháo.

Dũng khai nhận, vận chuyển thuê số pháo trên từ thôn Long An, xã Tân Long về xã Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho một người phụ nữ, với tiền công 600 nghìn đồng. Trước đó, Dũng đã hai lần vận chuyển pháo lậu cho người khác, lọt qua được lực lượng chức năng, đưa đi tiêu thụ.

Ngày 10/12, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra một ôtô (BKS 29C-961.72) do Nguyễn Ngọc Quỳnh (40 tuổi, trú tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) điều khiển đang làm thủ tục quá cảnh đã phát hiện hơn một tấn pháo và hơn 2,2 tấn gỗ trắc nhập lậu được cất giấu tinh vi. Quỳnh khai nhận cùng với một người tên Chiến mua số pháo và gỗ trên tại Lào đưa về Việt Nam tiêu thụ. Lực lượng chức năng đang tiếp tục truy xét, điều tra mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng…

Nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ.

Các đối tượng sẽ bị xử phạt như thế nào?

Tại Khoản 1 điều 5, Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 nêu rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

Theo thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: người mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Nếu mua bán qua biên giới còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.

Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10 kg trở lên hoặc dưới 10 kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng pháo nổ từ 10 kg đến dưới 50 kg (được coi là số lượng lớn); Số lượng pháo nổ từ 50 kg đến dưới 150 kg (được coi là số lượng rất lớn) Số lượng pháo nổ từ 150 kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn).

Theo quy định, không chỉ hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm. Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý hành chính.

Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

"... 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép......

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ......

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 9 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này....".

Xuân Ngọc