Nga, Đức phản đối Mỹ áp đặt trừng phạt dự án Nord Stream 2
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ, thật là một điều đáng tiếc khi chính sách gây sức ép của Mỹ đối với Nord Stream 2 vẫn đang tiếp tục và thậm chí ngày càng gia tăng.
Ngày 19/1, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, dự án Nord Stream 2 đang phải đối mặt với sức ép "tàn nhẫn và trái pháp luật" từ Mỹ. Ông Peskov bày tỏ, thật là một điều đáng tiếc khi chính sách gây sức ép này vẫn đang tiếp tục và thậm chí ngày càng gia tăng.
Ông Pesko khẳng định, Điện Kremlin đang xem xét các hành động chống lại dự án của Washington và đang tìm cách để hoàn thành dự án bất chấp áp lực từ các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Năng lượng của Hạ viện Đức, Klaus Ernst cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với dự án đường ống Nord Stream 2 là không thể chấp nhận được và khẳng định, các lệnh trừng phạt sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn.
Ông Klaus Ernst thúc giục Berlin triệu tập đặc phái viên tại Mỹ về nước và "giải thích dứt khoát" về lập trường của chính phủ Đức đối với Nord Stream 2 và hành động nỗ lực trừng phạt của Mỹ.
Ông Klaus Ernst bày tỏ lo ngại rằng, chính sách của Washington có thể không thay đổi dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Nhà lập pháp gợi ý, Berlin nên áp dụng mức thuế khổng lồ đối với khí hóa lỏng từ Mỹ nếu điều đó xảy ra.
Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin và nhà lập pháp Đức được đưa ra sau một bài báo của Đức trên tờ Handelsblatt cho thấy, Washington có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tàu đặt ống Fortuna như một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn việc xây dựng đường ống Nord Stream 2.
Dự án Nord Stream 2 trị giá 10 tỷ euro (11 tỷ USD), dẫn khí đốt xuyên biển từ Nga sang thẳng Tây Âu (không đi qua Ba Lan và Ukraine).
Trước đó, Nhà Trắng luôn phản đối dự án vì cho rằng nó sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Cả Nga và các nước châu Âu tham gia dự án đều bác bỏ những tuyên bố này.
Washington gợi ý, EU nên mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước ngoài thay vì khí đốt từ đường ống rẻ hơn của Nga và công khai chào bán khí hóa lỏng của Mỹ và Israel như các lựa chọn tối ưu.
Điện Kremlin trước đây đã mô tả lời đe dọa trừng phạt của Mỹ đối với dự án Nord Stream 2 là một "cuộc đột kích trắng trợn của cao bồi". Các biện pháp trừng phạt của Washington đối với dự án xây dựng đường ống này cũng bị lên án không kém ở một số nước châu Âu quan tâm đến việc hoàn thành nó.
Đức vẫn đặt hy vọng vào Nord Stream 2 vì nó đã hoàn thành ít nhất 90%. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể cản trở nỗ lực chứng nhận đường ống khi hoàn thành vì các công ty tham gia vào quá trình này có nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt.