Ngang nhiên thuê kho bãi lớn để cất giấu hàng lậu, hàng giả
Tình trạng doanh nghiệp thuê mặt bằng kho của các công ty lớn, có uy tín làm nơi cất giấu hàng lậu, hàng giả thời gian gần đây diễn ra rất nghiêm trọng.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh ngày 19/1.
Theo Cục Quản lý thị trường TP HCM, trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện gần 3.900 vụ, giảm gần 50% so với cùng năm trước. Trong đó, xử lý trên 2.700 vụ, số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước gần 59 tỷ đồng. Mặc dù số vụ gian lận thương mại có giảm so với cùng kỳ năm trước, song lực lượng quản lý thị trường lại quan ngại, tình trạng thuê mặt bằng của các công ty có uy tín làm nơi cất giấu hàng lậu, hàng giả.
Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra các kho hàng nằm trong khuôn viên số 5 đường Hồ Ngọc Lãm, quận 8 do ông Đỗ Tú Anh thuê chứa hàng hoá phát hiện gần 52 tấn chỉ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hơn 38 tấn sợi do Trung Quốc sản xuất không có hoá đơn chứng từ và 200 tấn sợi tái tạo không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, trị giá trên 3,8 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt gần 200 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hoá vi phạm.
Ngoài vụ việc trên, Công an thành phố phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra kho chứa hàng Dương Tú thuộc bãi xe Lê Hà (phường Tân Hưng, quận 12) phát hiện gần 3.000 sản phẩm sữa nước nhãn hiệu Ensure, gần 2.500 sản phẩm bia ngoại nhập lậu. Mở rộng điều tra vụ việc lực lượng chức năng còn phát hiện một địa điểm gần do ông Trần Quang Thiện làm chủ, cất giấu gần 9.400 sản phẩm sữa nước Ensure và trên 3.000 sản phẩm bia nhập lậu. Tổng trị giá hàng hoá gian lận trên lên đến 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP HCM cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng kinh doanh, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn biến phức tạp.
“Nhức nhối nhất hiện nay là có tình trạng nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng kho của các công ty lớn, có uy tín lâu năm trên thị trường để làm nơi cất giấu hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng diễn ra rất nghiêm trọng”- ông Đạt nói. Theo lực lượng QLTT thành phố, thời gian gần đây, thường xuyên kiểm tra và phát hiện nhiều hàng hoá nhập lậu được vận chuyển trên các chuyến bay nội địa, chuyển trong container, trên các tuyến đường sắt từ Bắc vào Nam với số lượng lớn. Điều đáng lưu ý, hàng nhập lậu vận chuyển quy mô và được chủ hàng uỷ thác cho các doanh nghiệp vận tải. Thế nhưng, khi bị phát hiện phần lớn hàng hoá đều không tìm được chủ sở hữu.
Nói về công tác chống hàng giả dịp cận Tết Nguyên đán 2021, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM khẳng định, hiện có rất nhiều mặt hàng Tết không rõ nguồn gốc được đưa vào thành phố tiêu thụ. Đơn vị đang tăng cường kiểm tra địa bàn.