Nước Mỹ trước cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Joe Biden, sẽ diễn ra trong ngày 20/1 (theo giờ Mỹ) giữa những lo ngại an ninh, đại dịch Covid-19 và sau một cuộc bầu cử “sóng gió” hiếm thấy. Có lẽ đây sẽ là một buổi lễ không giống với bất kỳ lễ nhậm chức nào trong lịch sử.
An ninh thắt chặt
Giới chức Mỹ đã tăng cường an ninh cho Lễ nhậm chức của ông Biden ở thủ đô Washington DC lên mức chưa từng có tiền lệ sau vụ hàng trăm người biểu tình bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội hôm 6/1. Giới chức an ninh địa phương lo ngại nguy cơ các vụ tấn công, bạo loạn có thể xảy ra trước và trong thời gian ông Biden tuyên thệ nhậm chức.
Ngày 19/1 (giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, 750 thành viên được huấn luyện đặc biệt của quân đội Mỹ, trong đó có đội rà phá bom và các bác sĩ điều trị chấn thương, đã được triển khai tới thủ đô Washington DC.
Lực lượng này bao gồm các thành viên được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ “phát hiện, khử trùng” sau các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân, phóng xạ và chất nổ.
Các thành viên khác cũng tham gia hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ của Quốc hội Mỹ trong việc thực hiện các xét nghiệm Covid-19 đối với những người tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1. Ngoài ra, 2.000 quân nhân cũng được triển khai để “hỗ trợ nghi lễ” cho Lễ nhậm chức.
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã tăng số lượng Vệ binh Quốc gia tham gia hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật liên bang sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ lên 25.000 người. Do lo ngại an ninh, Cục Điều tra Liên bang (FBI) tiến hành kiểm tra lý lịch toàn bộ vệ binh tới thủ đô làm nhiệm vụ.
Tính đến ngày 18/1, khoảng 21.500 thành viên của Vệ binh Quốc gia đã đến Washington DC để bảo vệ Lễ nhậm chức của tân tổng thống.
Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser đã kêu gọi các chính quyền địa phương khuyên người dân tránh đổ về Lễ nhậm chức của tân tổng thống nhằm tránh xảy ra bạo loạn.
Công viên quốc gia đóng cửa từ ngày 15/1 đến ngày 21/1. Các tuyến đường ở trung tâm Washington và các ga tàu điện ngầm sẽ bị đóng cửa. Cùng với Washington, toàn bộ 50 tiểu bang của Mỹ cũng được đặt trong tình trạng báo động nguy cơ xảy ra bạo lực trước hoặc vào ngày nhậm chức của ông Biden.
Với các biện pháp an ninh chưa từng có ở thủ đô Washington, phần lớn người Mỹ sẽ xem Lễ nhậm chức của ông Biden qua truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các hãng truyền thông lớn của Mỹ dự kiến sẽ phát truyền hình trực tiếp về sự kiện này. Chiến dịch của ông Biden và Ủy ban nhậm chức tổng thống cũng dự kiến sẽ livestream sự kiện.
Cùng với đó, ngày 19/1, Ủy ban phụ trách Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden thông báo, tòa nhà Empire State tại thành phố New York sẽ được thắp sáng trong đêm diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden nhằm tưởng nhớ những người Mỹ đã thiệt mạng vì đại dịch Covid-19.
Thông báo cho biết, tòa nhà chọc trời ở quận Manhattan, New York, là một trong nhiều tòa nhà trên khắp nước Mỹ sẽ được thắp sáng vào lúc 17h30 ngày 20/1 theo giờ địa phương như một phần của “thời khắc đoàn kết đất nước.”
Các tòa nhà khác như Space Needle ở Seattle hay ở các thành phố như Atlanta, Las Vegas và thành phố Wilmington, bang Delaware quê nhà của ông Biden cũng sẽ được thắp sáng.
Lễ nhậm chức của ông Biden sẽ diễn ra với chủ đề “America United” (Đoàn kết nước Mỹ), đây là một trong những thông điệp xuyên suốt trong chiến dịch tranh cử của ông Biden.
Tại buổi lễ, ông Biden dự kiến sẽ có bài diễn văn về tầm nhìn chiến lược đối phó đại dịch Covid-19, các chính sách nhằm giúp hàn gắn nước Mỹ, xây dựng lại một nước Mỹ tốt đẹp hơn.
Hoàn tất thủ tục
Theo New York Post, ngày 19/1 (giờ Việt Nam), Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã công bố một video phát biểu dài gần 7 phút, trong đó bà gửi gắm thông điệp chia tay khi nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa.
“Bốn năm qua là quãng thời gian không thể quên. Tôi và Tổng thống Trump chuẩn bị kết thúc quãng thời gian trong Nhà Trắng, tôi nghĩ đến tất cả mọi người và những câu chuyện về tình yêu, lòng ái quốc và sự tận tâm của họ”- bà Melania nói.
Trong thông điệp chia tay này, bà Melania không trực tiếp đề cập đến vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội (Điện Capitol), nhưng lên án bạo lực nói chung. “Hãy làm việc bằng sự đam mê, nhưng luôn nhớ rằng bạo lực không bao giờ là câu trả lời, không bao giờ được chấp nhận” - bà Melani nhấn mạnh.
Trong khi đó, về phần mình, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ không dự Lễ nhậm chức của ông Biden. Với quyết định này, ông sẽ trở thành tổng thống sắp mãn nhiệm đầu tiên trong hơn 100 năm qua không dự Lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
Theo kế hoạch, ông Trump sẽ tổ chức một lễ tạm biệt vào sáng 20/1 tại căn cứ không quân Andrews trước khi lên chuyến bay cuối cùng bằng chuyên cơ Không Lực Một đến Florida - nơi gia đình ông Trump được cho là sẽ định cư hậu Nhà Trắng.
Cũng trong ngày 19/1, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris đã chính thức đệ trình đơn rút khỏi Thượng viện Mỹ tới Thống đốc bang California Gavin Newsom, kết thúc vai trò là một nhà lập pháp của Quốc hội mà bà đã nắm giữ trong 4 năm qua.
Bà Harris là phụ nữ đầu tiên, người da đen đầu tiên và người phụ nữ Nam Á đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ sau Lễ nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Trong bức thư gửi tới thống đốc bang California, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris cho rằng, “đây không phải là lời tạm biệt,” đồng thời nhấn mạnh chức vụ Phó Tổng thống Mỹ là vị trí duy nhất trong chính quyền thuộc cả nhánh hành pháp và nhánh lập pháp, song trách nhiệm của bà trên cương vị này sẽ lớn hơn bởi tương quan 50-50 giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Thượng viện.
Ngày 19/1, cuộc diễn tập cho lễ nhậm chức Tổng thống đã bị gián đoạn và tòa nhà Quốc hội Mỹ đã tạm phải phong tỏa sau khi cảnh sát phát hiện đám cháy do một người vô gia cư gây ra cách đó khoảng gần 2 km.
Tất cả những người tham dự buổi diễn tập đã được sơ tán vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol ở Washington DC. Lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng dập đám cháy.
Cơ quan này sau đó thông báo, chưa phát hiện mối đe dọa an ninh từ vụ cháy hay bất thường nào trong khuôn viên Đồi Capitol, song yêu cầu tất cả nhân viên và những người tham gia diễn tập ở nguyên tại chỗ và sẽ điều tra nguyên nhân vụ việc.