Hướng đi nào cho xe bus Hà Nội trước nguy cơ ngừng hoạt động?
Khó khăn chồng chất từ dịch Covid-19 và các vấn đề khác đã khiến nhiều doanh nghiệp xe buýt tại Hà Nội rơi vào tình trạng thiếu kinh phí. Dự kiến, trong năm 2021 Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động thêm nhiều tuyến bus chất lượng cao, sắp xếp lại các điểm dừng đỗ xe nhằm thu hút hành khách.
Theo thống kê, năm 2020, sản lượng khách đi xe bus sử dụng vé lượt chỉ đạt khoảng 63,6% so với dự kiến và giảm 36% so với năm 2019. Sản lượng tem vé tháng ước đạt 98% so với dự kiến và giảm 34,3% so với năm 2019. Các tuyến xe bus sân bay và xe bus Citytour không trợ giá cũng gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm chuyến lượt, sản lượng hành khách sụt giảm mạnh, nhất là hành khách đi các tuyến bay quốc tế và khách du lịch nước ngoài., xe
Hiện tại, các doanh nghiệp vận hành tuyến bus tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ phải tạm dừng hoạt động nếu phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, chưa được tháo gỡ kịp thời.
Theo đại diện một số đơn vị kinh doanh xe bus, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 cùng với nhiều tác động khác đã dẫn tới một số chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe bus có trợ giá trên địa bàn Thủ đô bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, do thay đổi cơ chế từ trợ giá theo đặt hàng sang đấu thầu, chi phí vận hành 3 tháng đầu năm 2020 của hệ thống xe bus có trợ giá chưa được thanh toán.
Nhiều doanh nghiệp xe bus trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng, với lãi suất vốn vay từ 7 đến 8%/năm, nếu thành phố không sớm có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ nhiều tuyến bus phải tạm ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Hiện tại, TP Hà Nội đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn Sở Giao thông vận tải thực hiện theo quy định pháp luật và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương và thành phố; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, rà soát, tham mưu, báo cáo thành phố theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco cho biết, Hoạt động xe bus của Transerco đã phải cắt giảm tới 80% sản lượng vận chuyển từ ngày 22/3/2020, dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 1 đến 22/4 không có doanh thu.
Nguyên nhân khiến sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe bus năm 2020 của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sụt giảm được xác định là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, sản lượng khách đi xe bus sụt giảm còn có nguyên nhân do việc triển khai áp dụng chính sách miễn phí đối với người cao tuổi.
Trong năm 2020, bất chấp những khó khăn chưa từng có, Transerco vẫn tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ xe bus như: Tham gia đấu thầu vận hành 46 tuyến bus theo Nghị định 32 và chuẩn bị sẵn sàng để đưa thêm 7 tuyến bus mới hoạt động từ đầu năm 2021; phối hợp khảo sát điều chỉnh lộ trình các tuyến bus do tổ chức giao thông, hợp lý hóa các điểm dừng, điểm đầu cuối trên các tuyến bus; triển khai mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng VN-Pay...
Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, ngay quý I/2021, Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động thêm 14 - 15 tuyến bus (đang tổ chức đấu thầu), mở mới 30 tuyến.
Cũng trong năm 2021, mạng lưới xe bus thành phố sẽ được đầu tư theo hướng chất lượng cao, sử dụng nhiên liệu sạch với khoảng 400 xe, trong đó có khoảng 150 xe bus điện.
Các điểm dừng xe bus sẽ được bố trí theo nguyên tắc tiếp cận gần các nhà ga đường sắt. Các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút). Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng sẽ nghiên cứu và tham mưu thành phố phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe bus, nâng tổng số điểm trung chuyển lên 21.