Hồi hộp chờ phim
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không vì thế thị trường hài Tết 2021 trở nên ảm đảm. Có chăng chỉ là sự hoài nghi của khán giả về chất lượng của các chương trình.
Cuộc đua trên internet
Trong những năm gần đây với sự phát triển của công nghệ dẫn đến thị trường băng đĩa không còn chỗ đứng, phim hài đã chuyển sang các sản phẩm trên nền tảng internet. Trong đó nhiều bộ phim đã thu hút hàng chục triệu lượt xem và thường xuyên lọt top thịnh hành.
Với lợi thế trên, dù phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cuộc đua của các bộ phim hài Tết 2021 giảm đi “độ nóng”. Ngay những ngày giáp Tết hàng loạt chương trình hài đã chính thức được giới thiệu với khán giả như Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long với Thói đời và Khi Cuội yêu; Bình Minh Film của Trần Bình Trọng với series Làng ế vợ và Đại gia chân đất; NSX Hường Đinh với Tết đú - Đú Tết; Ê kíp nghệ sĩ Xuân Nghĩa với Để cho thầy lấy vợ, Mất vợ vì rượu 2…
Hầu hết, các sản phẩm hài Tết 2021 đều đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung, tình huống gần gũi với đời sống và cả những vấn đề thời sự nóng hổi trong năm.
Đơn cử, bộ phim Thói đời với sự tham gia của các nghệ sĩ Quốc Anh, Minh Hằng, Đức Khuê... tái hiện bức tranh xã hội phong kiến thời xưa, phóng tác những tiếng cười trong kho tàng dân gian Việt. Từ đó phản ánh ước vọng của người dân về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
Không những vậy bộ phim còn lồng ghép các vấn đề thời sự nổi cộm thời nay vào bối cảnh xưa để đem lại tiếng cười sâu sắc và khéo léo nhắc nhở mỗi người soi lại mình. Trong khi đó, Khi Cuội yêu với ý tưởng độc đáo, mới mẻ cùng nhân vật Cuội từ thời xưa đến thời hiện đại và dàn diễn viên tên tuổi như Phú Đôn, Thanh Tú, Tùng Anh...
Còn với đạo diễn Trần Bình Trọng cùng ê kíp sẽ tiếp tục ra Đại gia chân đất phần 11 về chuyện ông Tích và ông Sự ngồi ở làng quê nhưng bàn chuyện chính sự ở tận nước Mỹ. Bên cạnh đó, Trần Bình Trọng cũng vừa thực hiện xong và chuẩn bị phát hành phim Làng ế vợ phần 7, chọn lọc những sự kiện “nóng” trong năm 2020 để phóng tác...
Có thế thấy, mặc dù dịch bệnh kéo dài, kinh tế có nhiều khó khăn nhưng nhà sản xuất vẫn cố gắng “vượt khó” để kịp ra mắt các sản phẩm phục vụ khán giả trong dịp Tết. Theo đạo diễn Trần Bình Trọng chia sẻ, năm nay, nhiều nhà làm phim lắc đầu ngao ngán bởi tác động của dịch Covid-19 nên nhiều nhà làm phim không kêu gọi được quảng cáo, tài trợ.
Những công ty làm phim chuyên nghiệp thì không nói, họ có thể có một khoản dự trữ để cuối năm làm hài Tết, nhưng những công ty nhỏ việc làm phim hài Tết thường dựa vào kêu gọi tài trợ, tình hình dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp cũng “lao đao” nên họ không có tài chính để hỗ trợ làm phim.
Bản thân 2 bộ phim của đạo Trần Bình Trọng cũng rơi vào hoàn tương tự “Mọi năm có những doanh nghiệp chủ động hỏi đoàn phim để tài trợ nhưng năm nay chỉ có 1 vài đơn vị thân thiết và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh duy trì hợp tác vô điều kiện với đoàn phim” đạo diễn nói.
Có thực sự là “món ngon”?
Mặc dù có sự “ra quân” ồ ạt của các sản phẩm hài Tết tuy nhiên năm nào cũng vậy chất lượng của tác phẩm luôn bị đặt dấu hỏi. Bởi thực tế, với bộ phim hài khoảng cách giữa việc tạo nên tiếng cười và “lố”, nhảm hết sức mong manh.
Đặc biệt, với việc các sản phẩm chịu áp lực phải “cầy view” cũng khiến nội dung nhiều phim “sa đà” vào những tình tiết sốc, sex, sến, mới đấy là xã hội đen, chém giết. Đơn cử, như tiêu đề bộ phim Tết đú – Đú Tết ngày khi được công bố đã gặp phải phản ứng khi phim có thông điệp ý nghĩa về tết Việt truyền thống, nhưng tựa phim lại phản cảm.
Hay như serie Đại gia chân đất từng bị nhiều khán giả đánh giá là có quá nhiều cảnh gợi cảm, hở hang, dung tục. Lý giải về phản hồi này, đạo diễn Bình Trọng thẳng thắn cho rằng, nhiều đơn vị sản xuất khác mượn chuyện dân gian, hay mượn ý tứ để phê phán chứ phim của tôi phê phán thẳng chứ không cần mượn cái nọ nói cái kia.
Nói phim của tôi không đúng với thuần phong mỹ tục, rằng tục. Nhưng diễn viên trong đó chỉ tuột cái áo yếm hoặc hở vai trần thì không vì thế mà nói không thuần phong mỹ tục. Trong khi một năm có bao nhiêu cuộc thi Hoa hậu còn mặc hở hơn rất nhiều. Tôi là người kỹ tính vì vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn nên tôi khẳng định không lấy hở hang câu view.
Còn với nghệ sĩ Chiến Thắng bày tỏ, hài Tết như một ăn nhẹ, món tráng miệng của khán giả. Nếu trên bàn tiệc có những món sơn hài hải vị thì hài Tết là “món salat” để người xem đỡ ngấy. Hài là giải trí, có phim có thể khán giả xem xong là quên ngay được cũng chẳng sao.
Theo tôi những bộ phim hài, được khán giả gọi là nhảm sẽ không còn đất sống, đó là những bộ phim câu view, khoe thân, hở hang. Thị trường hài Tết đang có một mảng bị “bỏ ngỏ” là hài dân gian.
Thực tế cho thấy, với những sản phẩm hài Tết năm việc “thành công hay thất bại” cần phải có thời gian để trả lời. Thậm chí là cả những sự toan tính của các nhà sản xuất để lựa chọn thời điểm ra mắt các sản phẩm của mình.
Như đạo diễn Mai Long bày tỏ, bản chất của hài là sự quá lên hoặc ngược lại với những thứ bình thường. Thông thương thì hài ở ngôn ngữ, hài ở hài động, hài ở tình huống, hài ở những thói quen xấu… Để chọc cười được các ê kip phải tư duy đến những thứ khác thông lệ, bất bình thường. Nên ranh giới giữa sự nhảm và cái gây cười nó mong manh lắm.
Người hợp gu thấy buồn cười, người không hợp bảo đó là nhảm. Đạo diễn Mai Long cũng thẳng thắn cho rằng, để có hài Tết hay cần nhiều yếu tố về tính chuyên môn, cần một ê kip giỏi (biên kịch giỏi, đạo diễn giỏi, tổ chức sản xuất giỏi, diễn viên có tên tuổi, quay phim tay nghề….).
Xét về điều kiện cần đó là phải có tài chính dồi dào, đầu tư thỏa đáng. Xét về tư tưởng thái độ làm việc là đoàn kết hợp tác, cầu thị và tôn trọng khán giả.