Thực phẩm gắn mác 'made in nhà làm' ồ ạt tung ra thị trường những ngày cận Tết
Những ngày cận Tết, không khó để bắt gặp nhiều điểm kinh doanh hàng hóa, thực phẩm gắn mác “made in nhà làm” tràn lan trên “chợ mạng”, ồ ạt tại chợ dân sinh. Thực tế của việc mua bán những mặt hàng này là dựa trên niềm tin giữa người bán - người mua.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng những năm gần đây luôn chuộng các mặt hàng, sản phẩm truyền thống, tự làm bằng tay vì không có chất bảo quản, phẩm màu công nghiệp... Dạo quanh một vòng các trang mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngàn sản phẩm thực phẩm được chào bán tràn lan, với những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn, hình ảnh đẹp mắt khiến ai cũng muốn mua ngay lập tức.
Còn tại các chợ dân sinh, những thực phẩm gắn mác nhà làm luôn được các tiểu thương liên tục chào mời khách mua như: kiệu, dưa chua đã được chế biến sẵn ăn Tết. Đặc biệt, những mặt hàng tại các chợ này thường có mức giá vô cùng rẻ.
Chị Lan, một tiểu tương bán đồ rau củ quả tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Ở đây chỉ bán hàng nhà làm nên rẻ lắm, muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có. Nhiều người kinh doanh trên mạng vẫn hay lấy đồ nhà chị về bán.
Khi được hỏi đến vì sao hàng nhà làm mà lại có số lượng lớn như vậy, chị Lan trả lời: "Nhân viên đông mà chủ yếu là người nhà nên chi phí bỏ ra thấp, số lượng hàng nhiều mà giá rẻ".
Còn tại một số mặt hàng đồ khô khác như khô gà, khô heo, tôm khô... tại chợ Nhổn cũng được đóng thành từng bao lớn trưng bày ngay trước mặt tiền đường Nhổn, quận Nam Từ Liêm. Khi có khách hỏi mua, nhiều nhân viên còn không sử dụng bao tay mà trực tiếp lấy hàng từ trong những túi này để cân cho khách.
Để tiện cho khách mua, một số mặt hàng được nhiều người bán đóng sẵn thành từng hộp nhỏ từ 500 gr đến 1 kg. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết những sản phẩm này đều không có nhãn mác, nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu…
Thực tế hiện nay, người tiêu dùng mặc dù tỏ ý e dè trước chất lượng thực phẩm tại các chợ dân sinh nhưng lại dễ dàng tin tưởng, lựa chọn thực phẩm trên “chợ mạng” trong khi các mặt hàng từ “chợ mạng” hầu hết được lấy từ nguồn tiêu thụ của các chợ dân sinh.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa về an toàn thực phẩm nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh. Thực tế, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố thông tin rất phổ biến.
Theo đó, hình thức kinh doanh thực phẩm chế biến không đảm bảo công đoạn khép kín, nguồn gốc chưa rõ ràng tiềm ẩn các nguy cơ về mất ATTP rất cao, vì hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát. Do đó, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát; bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ… không được các cơ quan chức năng thẩm định, quản lý, cấp phép sử dụng.
Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở chế biến bán hàng “made in nhà làm” đều có quy mô nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng… chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào.
Theo quy định, thực phẩm nhà làm mà bán trên các trang mạng xã hội phải đáp ứng được tiêu chí: tự công bố về hàm lượng, cam kết không có chất cấm, có hạn dùng của sản phẩm, người làm đáp ứng tiêu chí sức khỏe… để người tiêu dùng và cơ quan nhà nước kiểm soát được.
Về phía Thanh tra Cục ATTP cho biết, theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất trước khi bán thực phẩm đã qua chế biến phải thực hiện công bố hoặc đăng ký bản công bố đối với cơ quan có thẩm quyền quy định. Do đó, người tiêu dùng khi lựa chọn mặt hàng cho mình, thực phẩm dù là sản xuất bằng tay hay bằng máy móc vẫn phải đảm bảo đáp ứng những điều kiện quy định. Dù mua hàng ở đâu, đối với những mặt hàng thực phẩm phải đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, có nhãn sử dụng và được xác nhận, kiểm định của cơ quan có thẩm quyền. Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm buộc phải có địa chỉ, nhãn hàng hóa, thời hạn sử dụng và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Trong trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền kiến nghị, thậm chí khởi kiện cơ sở bán hàng kém chất lượng.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia Y tế khuyến cáo, mặc dù các mặt hàng “made in nhà làm” vẫn phải đáp ứng được tiêu chí: tự công bố về hàm lượng, cam kết không có chất cấm, có hạn dùng của sản phẩm, người làm đáp ứng tiêu chí sức khỏe…để người tiêu dùng và cơ quan nhà nước kiểm soát nhưng người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có địa chỉ uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh những rủi ro đáng tiếc.