Nam Định: Giáo viên trường nghề cùng quẫn, kêu cứu vì nhiều tháng làm không lương

Duy Hưng 21/01/2021 20:57

Trong đơn kêu cứu gửi Tập đoàn dệt may Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định, Báo Đại Đoàn Kết và nhiều cơ quan khác của Trung ương, tỉnh Nam Định, cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định, trực thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam (số 6, đường Hoàng Diệu, TP Nam Định) cho hay, cuộc sống của bản thân và gia đình họ đang lâm cảnh cùng quẫn vì nhiều tháng qua họ không được nhận lương…

Triền miên làm…không lương

Cụ thể, trong đơn, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên khoa May-Thời trang Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định (từ năm 2017 về trước mang tên Trường Cao đẳng kinh tế-kỹ thuật Vinatex) cho biết, từ tháng 5 đến tháng 12/2020 (8 tháng liền), toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường (đến thời điểm hiện tại là 162 người), trong đó có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên của Khoa May-Thời trang vẫn đi dạy, đi làm bình thường nhưng không được trả lương. Trong 4 tháng trước đó, họ chỉ được nhận lương tháng 1, tháng 2 và tháng 4 được hỗ trợ mỗi người từ 1,5-1,8 triệu đồng; tháng 3 được trả một nửa lương.

Trước đó, trong năm 2019 tình cảnh của họ còn bi đát hơn khi bị nhà trường nợ 11/12 tháng lương. Sau khi gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, đến đầu năm 2020 họ mới được trường thanh toán nợ lương năm 2019.

Ngoài bị chậm lương, nợ lương, theo phản ánh của cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định, những năm qua, họ còn bị nhà trường nợ thanh toán các khoản tiền vượt giờ, phụ cấp giáo viên…

Cơ sở mới của Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định nằm ven quốc lộ 10. Ảnh: Trang tin của trường.

Phản ánh về công việc, giáo viên nhà trường cho biết, do nhà trường thực hiện các hoạt động liên kết đào đạo nên giáo viên thường xuyên phải đi dạy xa nhà, đi về mất gần trăm km; nhiều trường hợp phải vắng nhà nhiều ngày vì phải đi dạy cách nhà 3-4 trăm km.

Việc liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm bị nợ lương, chậm lương, cắt các khoản tiền ngoài lương, lễ tết không có thưởng, hỗ trợ khiến cuộc sống của hầu hết cán bộ, giáo viên nhân viên nhà trường lâm cảnh vô cùng khốn khó, nhất là những trường hợp hai vợ chồng cùng công tác tại trường.

“Nhà trường nợ lương chúng tôi nhưng chúng tôi không thể nợ tiền điện, tiền nước, tiền học của con và đặc biệt không thể nhịn ăn. Chúng tôi phải vay mượn bạn bè, người thân và có nhiều người đã phải vay ngân hàng, cả vay tín dụng đen để trang trải cuộc sống”, đơn kêu cứu viết và cho biết “đến thời điểm hiện tại (cận tết Tân sửu) chúng tôi không thể cầm cự hơn được nữa”.

Cán bộ, giáo viên cơ sở đào tạo thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng cho hay: “Việc đi làm không có lương trong một thời gian quá dài ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tinh thần làm việc của giáo viên; đặc biệt ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo của nhà trường, bởi lẽ tư tưởng, tâm lý của cán bộ, giáo viên không ổn định, bị chuyện “cơm áo gạo tiền” chi phối.

Trong đơn thư, cán bộ, giáo viên nhà trường thể hiện sự hoang mang hơn khi biết, theo công bố của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến nay, số tiền nợ đóng các loại bảo hiểm cho người lao động của Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định đã lên tới mấy tỷ đồng.

“Hiện tại đã khốn khó, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì ốm đau lấy tiền đâu chữa trị, về già sống thế nào?”, chị L., một nhân viên của trường lo lắng.

“Tôi chả biết trường này là cái gì?”

Liên quan đến nội dung đơn kêu cứu của cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định, trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch Công đoàn nhà trường xác nhận việc nhà trường nợ lương, chậm lương cán bộ, giáo viên nhân viên như đơn thư phản ánh là đúng sự thật.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, việc nợ lương, chậm lương không phải nhà trường có tiền mà không chi trả mà do tình hình tài chính của nhà trường mấy năm qua lâm cảnh bết bát.

Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Đoàn, những năm qua việc tuyển sinh của nhà trường gặp khó khăn, không tuyển được người học.

“Trước đây, lúc cao điểm trường có tới 3000 học viên, hiện tại chỉ có vài trăm học viên theo học tại trường. Các nguồn thu từ hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo của trường hiện chỉ đủ trang trải các khoản tiền điện, nước, thanh toán công tác phí cho giáo viên đi dạy xa…”, ông Đoàn cho biết.

Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn, theo ông Nguyên Văn Đoàn, Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định vốn là trường công, trực thuộc doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là trực thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam. Hoạt động của trường trước đây được đảm bảo bằng ngân sách, thông qua doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, kể từ khi Tập đoàn dệt may Việt Nam được cổ phần hóa, trường lâm cảnh lửng lơ, “công không ra công, tư không ra tư”, không rõ cơ quan chịu trách nhiệm là cơ quan nào?. Bởi lẽ, sau khi được cổ phần hóa, vốn của Tập đoàn không hoàn toàn của nhà nước mà của cả các nhà đầu tư. Chính vì vậy không thể để một trường công trực thuộc một doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, phải tách ra. Nhưng khi được đề xuất đưa trường về Bộ Công Thương thì Bộ này không nhận.

“Trong khi chưa biết đưa về đâu thì Chính phủ mới chỉ tạm giao cho Tập đoàn dệt may Việt Nam quản lý”, ông Nguyễn Văn Đoàn thông tin, giải thích và cảm than: “Tóm lại, tôi chả biết trường này giờ là cái gì?”

Cũng theo Chủ tịch Công đoàn trường, trong tình trạng vị trí lửng lơ như vậy nên trường gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt không được đảm bảo kinh phí hoạt động của tập đoàn, Mặt khác, trường không được áp dụng, hưởng những cơ chế chính sách đối với một trường công.

“Ví như khi thực hiện Nghị định 86 của Chính phủ về dạy nghề nông thôn, trường không được làm, nhận kinh phí trực tiếp mà chỉ có thể xác nhận cho người học để họ ra Sở LĐ-TB-XH tỉnh lĩnh kinh phí. Rồi, khi trường gặp khó khăn, nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường phải nghỉ việc họ cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ giảm biên từ ngân sách nhà nước. Vừa rồi có một đợt 80 người phải nghỉ việc được hỗ trợ tiền là từ việc “xử lý linh hoạt” của Tập đoàn chứ không phải theo chính sách hỗ trợ giảm biên của nhà nước”, ông Nguyễn Văn Đoàn cho hay.

Nói thêm về tình trạng khó khăn, bết bát về tiền bạc của trường, Chủ tịch công đoàn trường cho biết, đầu năm 2020, để có tiền trả nợ lương 11 tháng năm 2019 của cán bộ, giáo viên, nhân viên, trường phải vay nợ của Tập đoàn dệt may Việt Nam.

Khi được hỏi về sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí tháo gỡ khó khăn của chính quyền tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết trường không nhận được sự hỗ trợ về kinh phí của tỉnh Nam Định.

162 cán bộ, giáo viên, nhân viên còn ở lại làm việc tại Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định đến thời điểm này đang trong cảnh triền miên bị nợ lương, không tiền lễ tết và không biết tới đây “số phận” sẽ ra sao?. Ảnh: Trang tin của trường.

Hàng trăm người mất việc, nhiều người chưa thể tìm được việc làm mới

Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, quãng những năm quanh năm 2010, Trường Cao đẳng kinh tế-kỹ thuật Vinatex (tên cũ của Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định) là cái tên “hót” ở Nam Định, nhất là từ khi xuất hiện thông tin trường này sẽ được nâng cấp lên đại học.

Cùng với thông tin này, dự án xây dựng cơ sở mới, hoàng tráng của trường cũng được triển khai tại huyện Vụ Bản, nằm ven quốc lộ 10. Vì độ “hót” này, rất đông người đã tìm mọi cách để có được một suất việc làm tại trường, trong đó nhiều người đang là giáo viên tại các trường THPT công lập ở Nam Định cũng tìm cách xin chuyển về Trường Cao đẳng kinh tế-kỹ thuật Vinatex công tác, với hy vọng sớm trở thành cán bộ trường đại học. Và một cuộc tuyển dụng “ồ ạt” đã diễn ra…

Theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch Công đoàn trường, thời điểm đó, lúc cao điểm, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường lên tới 400 người. Tuy nhiên, như đã phản ánh, trước tình trạng trường không tuyển được người học, không có kinh phí trả lương, không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm, hơn 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đã buộc phải lần lượt nghỉ việc, chuyển công tác. Nhiều người trong số này đến nay vẫn chưa thể tìm được việc làm mới. 162 cán bộ, giáo viên, nhân viên còn ở lại trường làm việc đến thời điểm này thì như đã phản ánh, đang trong cảnh triền miên bị nợ lương, không tiền lễ tết và…không biết tới đây “số phận” sẽ ra sao?

Được biết, hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may Nam Định trong nhiều năm qua là ông Nguyễn Khắc Tuất. Theo nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường, ông Nguyễn Khắc Tuất đã quá tuổi công tác nhưng chưa được nghỉ hưu.

Duy Hưng