Cầu sập nhiều năm, cầu mới vẫn ‘trùm mền’

Đoàn Xá 22/01/2021 06:24

Gần 6 năm sau sự cố sập cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TP HCM), đến nay dự án xây dựng cầu thay thế vẫn chưa hoàn thành. Điều đáng nói, đây là dự án có quy mô không lớn nhưng việc TP HCM phê duyệt chủ trương đầu tư không đúng khiến dự án bị đình trệ nhiều năm. Hậu quả, dù nằm giữa trung tâm dân cư đông đúc nhưng hàng ngày, người dân vẫn phải di chuyển qua cầu tạm rất nguy hiểm và thường xuyên ùn tắc.

Dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý “trùm mền” nhiều năm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong mùa mưa năm 2016, cầu Tân Kỳ Tân Quý nằm trên đường Tân Kỳ Tân Quý đã bị sập do mưa lớn. Đây là một tuyến đường huyết mạch ở khu vực phía Tây Nam thành phố, khiến giao thông người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngay sau đó, phương án xây cầu tạm bằng sắt để thay thế cây cầu có từ trước năm 1975 đã được hoàn thành.

Cũng trong thời gian này, TP HCM chấp thuận việc xây cầu mới kiên cố để đảm bảo việc đi lại cho người dân. Với mục đích đẩy nhanh tiến độ xây cầu mới, TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho phép công trình được thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân và thu phí sau khi hoàn thành (hình thức BOT). Theo dự kiến, chỉ trong vòng 12 tháng dự án sẽ hoàn tất.

Cụ thể, do nằm cách tuyến Quốc lộ 1A khoảng 150 mét, dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý được “ghép” vào Dự án cải tạo tuyến Quốc lộ 1A đoạn An Sương-An Lạc (khoảng 16km) đang được thu phí trên Quốc lộ 1A. Phương án thu hồi vốn của dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý cũng được chủ đầu tư thực hiện với các phương tiện di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A thông qua trạm thu phí An Sương-An Lạc hiện hữu. Tuy nhiên, dự án này đã buộc phải tạm ngưng bởi Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc TP HCM phê duyệt dự án có nhiều thiếu sót dù cầu đã xây gần xong.

Trong đó, nếu dự án hoàn thành và việc thu phí các phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1A để hoàn vốn là không phù hợp bởi cầu Tân Kỳ Tân Quý không nằm trên quốc lộ. Ngay sau đó, TP HCM đã chuyển đổi phương thức đầu tư của dự án xây này từ nguồn vốn BOT sang vốn đầu tư công. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết bởi số tiền do chủ đầu tư BOT tính khi thực hiện bao gồm cả tiền lãi ngân hàng trong khi thực hiện và thu phí.

Theo đó, dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý dài 225 mét, rộng 16 mét nhưng có tổng số vốn lên đến gần 700 tỷ đồng. Trong khi nếu xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách thì số tiền chỉ khoảng một nửa. Điều quan trọng là việc chuyển đổi hình thức đầu tư hiện nay chưa biết chính xác khi nào sẽ được chấp thuận khiến dự án tiếp tục “trùm mền”.

Nhiều người dân sinh sống ở khu vực cầu Tân Kỳ Tân Quý cho biết, hiện nay dự án đã bị ngưng hoàn toàn, được rào bằng lô-cốt xung quanh. Người dân phải di chuyển bằng cầu tạm rất nguy hiểm, thường xuyên ùn tắc. Đặc biệt, do cầu tạm có kết cấu sắt thép, vòng tròn nên một số người dân lợi dụng ở chân cầu để làm nơi buôn bán đồ dùng, thực phẩm khiến khu vực này khá hỗn loạn nhất là thời điểm buổi chiều.

Đoàn Xá