Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: Chọn người đủ đức, đủ tài
LTS: Trong không khí chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cả nước bắt đầu bước vào đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Câu chuyện tìm người tài đức và lựa chọn cho được những người thực sự đủ tài, đủ đức đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất cũng như ở các địa phương là việc quan trọng phải làm. Ở đó có vai trò hiệp thương và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đây cũng là trách nhiệm của mọi công dân nhằm góp phần xây dựng bộ máy chính quyền, phục vụ cho việc phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Kể từ số báo này, Đại Đoàn kết mở Chuyên mục “Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, đồng hành cùng cả nước trước sự kiện quan trọng này.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh thu hút và trọng dụng người tài đức trở thành quốc sách và thấm sâu vào quan niệm sống của nhân dân ta. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và thu hút người tài đức để xây dựng, kiến thiết đất nước.
Ngày 20/11/1946, trên Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn kết ngày nay, cùng với việc đăng công bố toàn văn Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên trang nhất đã đăng thông báo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trọng dụng nhân tài. Người nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người đã thuyết phục được nhiều giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học ở nước ngoài về phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc; tập hợp, được các nhân sĩ, trí thức, người có tài, có đức, không kể giai cấp, tầng lớp để tham gia quản lý, tham gia Quốc hội, cùng chăm lo cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Thực tế các nhà khoa học, các vị nhân sĩ, trí thức đều đã đóng góp sức mình, để lại nhiều thành công, những dấu ấn trên lĩnh vực của mình, được Đảng, Nhân dân ghi nhận.
Ngày nay, với gần 100 triệu người Việt Nam, chắc chắn sẽ không thiếu người có tài, có đức. Nhưng để tìm và lựa chọn được đúng người, không phải là điều đơn giản. Bởi vì trong thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Trong khi đó, có những nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Cho nên vấn đề giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đang được mọi cấp, mọi ngành, mọi công dân quan tâm để làm sao tìm cho được, giới thiệu được những người có đức, có tài đại diện cho dân? Làm sao không để sót, để lọt người có đức, có tài, cũng như không giới thiệu nhầm người kém đức, thiếu tài?
Với nhận thức đó, công tác nhân sự, trong đó trọng tâm là tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu và quy trình lựa chọn, giới thiệu ĐBQH và HĐND là yếu tố then chốt cho thành công của mỗi cuộc bầu cử.
Cũng như những lần bầu cử trước, bầu cử lần này được tiến hành theo các thủ tục, các bước hiệp thương chặt chẽ. Và ở đó có vai trò vô cùng quan trọng của MTTQ Việt Nam. Theo ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, giai đoạn hiệp thương, giới thiệu người ứng cử là giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử nhằm thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức.
Công việc rất nhiều, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý mỗi thành viên cần phải nắm thật chắc các văn bản hướng dẫn để thực hiện một cách cẩn thận, chắc chắn, có thể linh hoạt nhưng không được phạm luật.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định vai trò của Trung ương MTTQ Việt Nam cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình bầu cử và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021.
Trong đó, quan trọng là chọn cho được những cán bộ xứng đáng để bầu ra những ĐBQH và HĐND các cấp thực sự đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chính vì vậy, bầu cử chính là cuộc vận động chính trị quan trọng nhằm phát huy vai trò làm chủ thật sự của nhân dân trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Và để giới thiệu, chọn lựa được những người có đủ đức, đủ tài cần sự vào cuộc thực sự có trách nhiệm của mọi công dân.