Đền Voi Phục trước nguy cơ bị xâm hại
Dự án “Công trình cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê kết hợp kinh doanh dịch vụ” đang rục rịch thi công trên vị trí giếng Ngọc (số 270 Thụy Khuê, của đền Voi Phục, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhiều bậc cao niên sinh sống quanh đền Voi Phục cho biết: Giếng Ngọc là một trong những yếu tố gốc cấu thành di tích đền Voi Phục.
Đền Voi Phục có địa chỉ số 261 phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), có tích kể lại rằng tên đền Voi Phục bắt nguồn từ câu chuyện vào đầu đời Lê. Theo phong thủy của đền thì đền nằm trên con phượng hoàng, trên mình con phượng hoàng có một giếng Ngọc. Khi đào giếng Ngọc, người dân đã tìm thấy một đôi voi đang ở thế phủ phục. Từ đó đền có tên là đền Voi Phục. Đôi voi đá hiện vẫn được đặt ở cửa đền đầy uy nghiêm.
Di tích đền Voi Phục là ngôi đền thờ Hoàng tử Linh Lang, con thứ của vua Lý Thái Tông, người đã có công chống quân Tống xâm lược. Năm 1986, đền đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Phản ánh với phóng viên, cụ Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Tiểu ban Di tích đền Voi Phục - chùa Châu Lâm Thuỵ Khuê, người đã hơn 30 năm gắn bó công việc trông coi đền Voi Phục cho biết: “Theo bản đồ khu vực đền Thụy Khuê (đền Voi Phục) năm 1985 thì giếng Ngọc nằm bên kia đường Thụy Khuê. Trước đây bên xí nghiệp đã lấp giếng Ngọc đó đi. Bây giờ chúng tôi xin phục dựng lại giếng Ngọc này. Năm 2017 tôi đã từng đề nghị các cấp nghiên cứu để trả lại cho đền giếng Ngọc. Văn bản tôi đã gửi khắp nơi nhưng cứ trầm trầm đi”.
Theo lời cụ Tùng chia sẻ: “Khi tôi ý kiến để khôi phục giếng Ngọc, họ đã yêu cầu có nhân chứng lịch sử. Sau đó tôi đã tổ chức một hội nghị hơn 20 cụ để xác định lại giếng Ngọc này. Tại hội nghị đó có cả Phòng văn hóa quận và UBND phường Thụy Khuê”.
Để tìm hiểu rõ thông tin về sự tồn tại của giếng Ngọc đối với đền Voi Phục, phóng viên đã tìm tới một số cụ cao niên đang sinh sống trên địa bàn. Cụ Hà Xuân Lan (81 tuổi trú tại 238 Thuỵ Khuê) cho biết: “Tôi ở đây từ bé, giếng Ngọc có từ thời xa xưa rất đẹp. Quanh giếng có những cây si tỏa bóng xuống giếng. Hồi bé chúng tôi hay chèo lên cây si ra mép giếng để chơi. Ngày xưa khi còn, nước giếng rất trong, mỗi lần lễ hội các cụ lấy nước ở giếng để cúng thánh. Theo các cụ kể lại thì ngày xưa đào giếng thì phát hiện đôi voi đá sau đó, đôi voi đá đó đã được mang sang đền”.
Trước những ý kiến cho rằng giếng Ngọc không phải của đền Voi Phục thì cụ Lan khẳng định: “Chúng tôi xác định giếng là của đền. Chúng tôi mong muốn giải phóng khu vực (thửa đất địa chỉ 270 Thụy Khuê) để trả lại cho đền, để khôi phục giếng Ngọc”.
Cũng khẳng định sự tồn tại và mối liên hệ của giếng Ngọc với đền Voi Phục, cụ Phan Trung Kết (địa chỉ 125 Thụy Khuê) nói: “Chúng tôi đã hai lần họp và đề nghị trả lại cho đền giếng Ngọc. Ngày xưa giếng Ngọc giống như vành khăn. Tôi là người dân gốc Thụy Khuê chứng kiến có giếng Ngọc này. Nguyện vọng của bà con chúng tôi là giữ được giếng Ngọc”.
Được biết, sau khi có ý kiến khôi phục lại giếng Ngọc, Phòng Văn hoá và Thông tin quận Tây Hồ đã có Văn bản trả lời số 349/VHTT ngày 21/11/2017 về việc phục dựng giếng Ngọc, cụ thể: “Di tích đền Voi Phục, phường Thuỵ Khuê đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 15/VH-QĐ ngày 27/1/1986 của Bộ Văn hoá (nay là Bộ VHTTDL). Căn cứ Hồ sơ xếp hạng đền Voi Phục năm 1986 hiện lưu giữ tại Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho thấy: Hạng mục giếng Ngọc không được thể hiện trong phần bản đồ, biên bản khoanh vùng khu vực bảo vệ và lý lịch di tích đền Voi Phục cũng không mô tả hạng mục này. Theo quy định của Luật Di sản Văn hoá, việc phục hồi di tích phải dựa trên các cứ liệu khoa học về di tích.
Để phục dựng giếng Ngọc, theo quy định của Luật Di sản Văn hoá, Phòng Văn hoá quận yêu cầu phường Thuỵ Khuê hướng dẫn Tiểu ban quản lý di tích đền Voi Phục thu thập thông tin về hạng mục giếng Ngọc (bao gồm: Tư liệu, ảnh, lời kể nhân chứng, biên bản lấy ý kiến của nhân dân và chính quyền địa phương). Trên cơ sở thông tin thu được, UBND phường Thuỵ Khuê có Văn bản trả lời Phòng Văn hoá quận để báo cáo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội theo quy định”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 1/3/2019, ngay tại đền Voi Phục đã diễn ra Hội nghị tọa đàm về nguồn gốc giếng Ngọc do UBND phường Thuỵ Khuê tổ chức. Tại biên bản của cuộc hội nghị, những nhân chứng là các cụ cao niên sinh ra và lớn lên tại Thụy Khuê đều khẳng định có sự tồn tại của giếng Ngọc.
Bên cạnh đó, trong biên bản của hội nghị có ghi rõ ý kiến của hoạ sĩ Nguyễn Hiệp, Hội viên Hội Mỹ thuật Trung ương: “Thời kỳ giếng Ngọc - đền Voi Phục chưa bị san lấp, lấn chiếm, tôi có đưa học sinh trường Mỹ thuật về vẽ giếng Ngọc - đền Voi Phục. Tôi đã cung cấp bức tranh này cho Tiểu ban Di tích lịch sử đền Voi Phục. Lúc đó, giếng Ngọc có vị trí nằm gần cây si, địa điểm này có tên là hồ Gương. Đền Voi Phục hướng về phía Bắc về đường thành Thăng Long, trước cửa đền có một cầu bắc qua, sau khi Pháp chiếm đóng làm đường thì đền quay về hướng Bắc”.
Hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, tại địa chỉ số 270 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) máy móc và vật liệu phục vụ cho việc thực hiện xây dựng dự án đã được tập kết tại đây và đang rục rịch thi công. Bảng thông tin dự án được treo tại công trường ghi rõ: Công trình cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê kết hợp kinh doanh dịch vụ; Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ; Đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội 22; giấy phép xây dựng số 722/GPXD-UBND quận Tây Hồ. Trong khi chưa có kết quả cụ thể về giếng Ngọc thì di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia đền Voi Phục đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại.