Người trồng đào vùng cao lo mất Tết
Trước việc không bán được “đào rừng”, nhiều gia đình vùng cao lo năm nay sẽ thất thu, không có tiền ăn Tết. Đáng chú ý là nhiều tỉnh đề xuất ý tưởng dán tem truy xuất nguồn gốc cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai.
Vắng bóng thương lái
Có mặt tại các bản Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), cạnh các nương ngô, sân vườn nhà bà con những cây đào rừng bắt đầu chớm nở khoe sắc. Những cành đào này được bà con trồng để kinh doanh.
Chỉ tay vào cây đào rừng cổ thụ của gia đình, ông Lò Văn Danh, người dân xã Tả Phìn cho biết cây đào được gia đình trồng hơn 20 năm nay. “Cây này như năm trước thì có giá gần 30 triệu đồng. Ngoài rẫy, gia đình tôi có hơn 20 cây nữa, dự tính đây sẽ là một khoản thu nhập để lo Tết và chi phí cho cả năm. Vậy mà, xem ra năm nay tình hình sẽ rất khó khăn” – ông Danh lo lắng.
Cũng mang nỗi lo tương tự, gia đình bà Quàng Thị Huế ở xã Tả Van đang ngược xuôi tìm đầu ra cho hơn 50 gốc đào. Vườn đào gia đình bà ở vùng sương mù ẩm ướt nên rất rêu phong, cổ kính. Theo bà Huế, thời điểm này năm ngoái thương lái đã tìm mua đào rộn ràng, còn năm nay, vì sợ truy xuất đào rừng nên họ không dám mua. “Họ chỉ đến vườn xem đào và bảo cần thận trọng xem chính sách thế nào mới đặt cọc tiền”, bà Huế nói.
Trao đổi về việc buôn bán đào dịp Tết Nguyên đán, ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sapa cho biết, Lào Cai không dán tem, tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào. Vì khái niệm “đào rừng” là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi.
“Thực tế ở Sa Pa không có đào rừng. Trước đây có nhưng đã được người dân khai thác hết từ lâu. Hiện các loài đào rừng ở đây được người dân thuần hoá, trồng ở vườn, rẫy nhà. Đào bán dịp Tết Nguyên đán giúp bà con vùng cao có thu nhập, cải thiện cuộc sống nên chính quyền luôn tạo điều kiện để việc buôn bán diễn ra thuận lợi” - ông Quốc nói.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Lào Cai cũng khẳng định, Lào Cai không có đào rừng chỉ có đào trồng ở vườn nhà, bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng.
Theo ông Duy, việc dán tem truy xuất còn liên quan đến trình tự thủ tục hồ sơ phức tạp và người dân đi làm thủ tục hồ sơ trong dịp Tết thì không kịp.
Dán tem minh bạch nguồn gốc đào
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn vừa ký văn bản gửi các địa phương liên quan đến đến việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Văn bản nêu rõ, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng sẽ do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật. Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng. Theo điều kiện cụ thể địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2020 mới đây của ngành NNPTNT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được chặt cây rừng, hoa đào, các loại cây khác ở núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc.
Trao đổi với báo chí liên quan đến chỉ đạo trên của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng là nhằm cấm chặt đào rừng tự nhiên chứ không cấm mua bán đào do người dân miền núi hoặc miền xuôi trồng. Với đào do người dân trồng trong vườn trong rẫy, trồng ở khu vực rừng trồng để khai thác, bán dịp Tết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cần khuyến khích, vừa giúp đáp ứng cung - cầu của thị trường, vừa giúp người lao động, hộ nông dân có thêm thu nhập.
Liên quan đến đề xuất “dán tem” xác nhận nguồn gốc cây đào của một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ ủng hộ đề xuất này.
“Việc dán tem như vậy là để minh bạch nguồn gốc cây đào, để cơ quan quản lý cũng như người dân phân biệt được đào rừng tự nhiên và đào trồng, phân biệt loại đào bị cấm chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và loại đào được khuyến khích sản xuất, khai thác” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Hiện nay, Sơn La đã rà soát xong 7 huyện có đề nghị dán tem truy xuất nguồn gốc với 5.000 gốc đào và đã được cập nhật vào hệ thống quốc gia. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, tại Sơn La, phần lớn là đào người dân trồng trong vườn. Số lượng nằm rải rác manh mún, chỉ huyện Vân Hồ và Mộc Châu có số lượng tập trung. Nếu quy ra diện tích có đào trồng trên toàn tỉnh khoảng 5.000 ha, việc dán tem cũng gặp nhiều khó khăn.